Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto

Tựa đề: Natsu no niwa – Khu vườn mùa hạ
Tác giả: Kazumi Yumoto
Dịch giả: Nguyễn Thanh Hà

NXB Hội Nhà Văn

.
Bài cảm nhận dự thi Summer Contest: Book review của Reading Cafe

.

~oOo~

.

Những cơn gió nhè nhẹ thổi mùa hạ đến. Gió hòa tan trong lòng nó mùi vị nồng nồng, man mác của đất, của nắng. Mùa hạ làm cho bầu trời thêm cao và trong xanh lạ lùng sau những cơn mưa rào bất chợt, mau tạnh mà cũng mau thôi. Và khi mùa hạ đến, bạn không thể nào bỏ qua một tựa sách cực kỳ ấn tượng và đầy thú vị – “Khu vườn mùa hạ”.

Khu vườn mùa hạ” viết về tình bạn kỳ lạ giữa ba cậu nhóc học sinh lớp sáu (Kiyama,Yamashita và Wakabe) với một ông cụ 80 tuổi đã gần đất xa trời. Khi kỳ nghỉ hè đến, ba cậu nhóc đã thực hiện một “phi vụ” cực kỳ đặc biệt, đó là theo dõi một ông cụ để tìm hiểu xem khi người ta chết trông sẽ như thế nào. Để rồi ba cậu nhóc đã vô tình bước vào cuộc sống của ông cụ và làm nó thay đổi hoàn toàn. Ban đầu, ông cụ là một người đàn ông độc thân vô hình trước mắt mọi người, ngay đến cả hàng xóm cũng không biết ông cụ còn sống hay đã chết, thì giờ đây ông cụ như được hồi sinh khi gặp được ba cậu nhóc. Từ chỗ ngồi ì một chỗ xem TV, ông cụ cùng bọn nhóc dọn rác xung quanh và làm vệ sinh nhà cửa. Từ chỗ chỉ ăn cơm hộp, ông cụ bắt đầu đi chợ và tự nấu ăn. Từ chỗ cáu gắt với những người lạ, ông thân thiện hẳn với bọn nhóc, dẫn chúng đi bắn pháo hoa, đến sẵn sàng uống bia và trò chuyện với người mà ông không quen biết.

Ngược lại, từ khi quen biết với ông cụ, bọn nhóc được ông cụ dạy học chữ Hán, dạy gọt trái cây. Cuộc sống của bọn nhóc không chỉ là từ nhà tới trường, không chỉ là ngồi trên xe buýt đi đến chỗ học thêm, mà giờ đây bọn nhóc còn có một địa điểm đầy thú vị nữa để tụ tập mỗi ngày, đó là nhà ông cụ. Ban đầu, cả ba đều rất tò mò về tuổi già, về cái chết. Để rồi, từ chỗ muốn khám phá về cái chết, ba cậu nhóc đã được dạy những bài học đầy ý nghĩa nhân sinh về cuộc sống. Một trong những bài học mà bọn trẻ nhận được mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất, đó là “sống không chỉ có nghĩa là thở”.

Ngày xưa, hồi còn nhỏ, có một ông bác đã dạy tôi rằng chết là ngừng thở. Và suốt cả một thời gian dài, tôi đã tin như vậy. Nhưng điều đó không đúng. Bởi vì sống không chỉ để thở. Điều đó chắc chắn sai rồi.

Phải rồi, “sống không chỉ để thở” mà còn để khám phá, để ước mơ những điều thú vị và đầy ắp tình yêu với cuộc sống. Và ba cậu nhóc trong câu chuyện đã làm theo những cách của chúng để để tự khám phá những thứ đầy mơ hồ và lạ lẫm với thế giới trẻ con. Từ chỗ bỏ học đá bóng để tụ họp ở nhà ông cụ, tự mình đi mua hạt giống hoa cúc cánh bướm đến việc lên kế hoạch tìm lại người vợ của ông lão. Cậu bé Kiyama hồn nhiên đến nỗi nhịn thở đến bức bối để xem chết có phải là ngừng thở hay không. Hay khoẳnh khắc bọn trẻ hân hoan ngắm nhìn pháo hoa nổ tung rực rỡ bầu trời mùa hạ.

Hình ảnh những đứa trẻ trong câu chuyện nhắc nhở chúng ta rằng: Trong mỗi con người đều tồn tại một đứa trẻ. Ngày xưa khi còn là một đứa trẻ, chúng ta luôn khát khao được khám phá cuộc sống mỗi ngày, và luôn đầy ắp tình yêu với thế giới này. Nhưng khi chúng ta dần lớn lên, những thứ đó đã dần mất đi. Đã bao giờ chúng ta dừng lại và tự hỏi: “Những khao khát được khám phá của đứa trẻ bên trong bạn đâu mất rồi?”. Hay “Đã bao lâu rồi bạn không tìm thấy những điều thú vị và đẹp đẽ xung quanh bạn?”. “Là sinh viên sao tâm hồn bạn già nua đến vậy?”. Và khi tôi tự hỏi mình điều đó, tôi bắt đầu lao ra ngoài tìm lại { nghĩa cuộc sống của chính mình. Bắt đầu bằng việc tham gia tổ chức những hoạt động mà tôi yêu thích, học cách mỉm cười với cuộc sống, nói lời yêu thương với ba mẹ của mình, trò chuyện với những người mà tôi chưa từng quen biết, học cách biết ơn với những thứ mà tôi may mắn được nhận và tìm thấy tình yêu ngay ở những điều giản dị của cuộc sống. Tôi luôn nhớ câu nói của một ai đó, rằng: “Cuộc sống là một cuộc hành trình thú vị hoặc không là gì cả”.

Khu vườn mùa hạ” là tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Kazumi Yumoto. Mặc dù vậy, Kazumi đã chinh phục hoàn toàn độc giả bằng một văn phong thật vừa nhẹ nhàng mà tươi mát, vừa tinh khiết mà đầy chất thơ. Tác giả đã vẽ nên một bức tranh mùa hè sống động, nhiều màu sắc, chỉ bằng việc khắc họa một “Khu vườn mùa hạ”, từ màu màu xanh lá của cửa sổ, màu vàng sáng của tường, đến màu đỏ của cây gạo và đặc biệt là màu vàng của hoa cúc cánh bướm trồng đầy khu vườn. Những bài học đầy tinh tế và ý nghĩa qua góc nhìn của những đứa trẻ, làm cho những thông điệp đến với người đọc một cách tự nhiên và không sáo rỗng. Và đặc biệt nhất, cốt truyện đơn giản chỉ xoay quanh ba cậu bé học tiểu học và một ông cụ vô danh gần đất xa trời, nhưng tự nó đã đủ sức làm bừng sáng cả một tác phẩm, bừng sáng cả một mùa hè và bừng sáng cả tâm hồn người đọc.

Gấp cuốn sách lại, giống như những nhân vật trong câu chuyện, chúng ta sẽ hiểu rằng: Cuộc sống đâu chỉ là hít thở. Tuổi trẻ của chúng ta quá ngắn ngủi để sống vật vờ, làng nhàng không bản sắc. Cho nên, trong sự hữu hạn của thời gian, hãy cố gắng nắm bắt từng khoảnh khắc của cuộc đời và khám phá nó bằng một tình yêu đầy ắp. Bởi vì: “Ánh sáng luôn hiện hữu quanh ta, nhưng màu sắc của nó lại ẩn đi. Trong thế giới này có lẽ có vô vàn thứ đang ẩn nấp, vô vàn thứ ta không nhìn thấy được. Có những thứ giống như cầu vồng, thời tiết thay đổi chút là sẽ xuất hiện; nhưng cũng có những thứ, phải trải qua một quãng đường rất dài ta mới có thể thấy nó!

Dũng Lê

  1. January 5th, 2015

Leave a comment