Cổ Tích Việt Nam – Nhã Nam

Cổ Tích Việt Nam – Nhã Nam cùng NXB Mỹ Thuật liên kết phát hành.

Từ những người kể khác nhau, và những người vẽ khác nhau.

Nhưng tất cả họ đều thật tuyệt vời.

Bao gồm 12 quyển (đã xuất bản). Thông tin xem tại Website Nhã Nam

—-

Bộ sách này khi ra mắt ngay ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 đã dấy lên một làn sóng háo hức chờ mong trong cộng đồng những bạn đọc yêu sách. Những bức vẽ của của anh Bút Chì Đỗ Hữu Chí cho cuốn Đeo nhạc cho mèo trên facebook khi ấy đã nhận được bao nhiêu là khen ngợi cùng sự trông mong của mọi người. Rồi cả loạt ảnh bìa rực rỡ cho toàn bộ series trên trang của Nhã Nam nữa. Vừa nhìn đã có khao khát muốn cầm trên tay. Chờ mãi, chờ mãi, rốt cuộc rồi mình cũng gom được 10/12 quyển về nhà vào một ngày Chủ nhật giữa tháng Tám mưa nhiều.

Có thể nói, chưa bao giờ sách thiếu nhi Việt Nam lại đẹp đến vậy. Chưa xét đến nét duyên dáng của người kể chuyện, chưa nói đến sự công phu trong quá trình biên tập và in ấn, chỉ riêng phần vẽ của từng quyển sách cũng đủ khiến chúng ta nhìn thật no mắt. Mỗi quyển sách là một người vẽ, và như thế cũng là một phong cách, một kiểu kể chuyện thật độc đáo: Đỗ Hữu Chí với nét vẽ rất duyên dáng và dí dỏm với hàng loạt nhân vật Chuột trong Đeo Nhạc Cho Mèo, Thành Phong với khả năng kết hợp những mảng màu sáp thô ráp cùng sự hài hước tinh tế thành những hình khối sinh động với Bốn Anh Tài, Bích Khoa với khả năng đồ họa điêu luyện, cùng những concept trừu tượng và độc đáo trong câu chuyện tình đau buồn kinh điển của dân gian Việt Nam – Trương Chi. Thái Mỹ Phương đóng góp nét vẽ tròn trĩnh dễ thương với các nhân vật má đỏ hồng hồng trong Sự Tích Dưa Hấu. Họa sĩ Còm múa may với phong cách biếm họa đặc trưng trong Tham Vàng Đả Lão Trượng… Mỗi một cuốn sách là một món ăn đầy đủ sắc màu, tinh tế, sinh động và trên hết là sự độc đáo trong ý tưởng và phong cách. Dường như, khái niệm “minh họa” đã không còn đủ để diễn tả, mà chính phần hình ảnh đã đóng góp phần lớn trong việc định hình phần “hồn” của từng câu chuyện. Lật giở từng trang sách cũng giống như được chiêu đãi một bữa tiệc của màu sắc, mãn nhãn và thỏa nguyện vô cùng.

Các nhân vật mèo - chuột dí dỏm của anh Bút Chì

.

Và cách thể hiện hư ảo mà rực rỡ của Bích Khoa

Cách kể chuyện của bộ sách cũng thật sự khác biệt. Mọi câu chuyện đều được kể ra thật súc tích và giàu biểu cảm. Khi cần hài hước thì hài hước một cách ý nhị thâm sâu, khi cần u buồn thì lại buồn như mênh mông trời đất. Trong một số lượng lượng rất ít từ ngữ, những người kể chuyện đã tận dụng từng từ một, đặt mỗi từ mỗi chữ ở ngay đúng vị trí của nó, truyền sức sống vào từng chi tiết nhỏ. Mỗi câu viết ra đều chứa chan nhịp điệu, mỗi đoạn ngắn lại tràn đầy tính hóm hỉnh hoặc u buồn riêng biệt. Đọc những câu thơ từ biệt của nàng Giáng Hương, “Kết lứa ở trong mây, duyên xưa đã hết. Tìm non tiên nơi góc bể, dịp khác còn đâu!” mà lòng buồn rười rượi. Thế rồi, khi đọc những dòng ngắn minh họa trên bìa Bốn Anh Tài lại bật cười thích thú. Những sự tích tưởng chừng như ai cũng biết giờ đây lại mang trong mình một nét mới, cá tính mà lại vô cùng thân quen với kho tàng ngôn ngữ giàu có vô cùng của dân tộc Việt Nam. Viết được như thế, thoạt trông có vẻ giản dị, nhưng hẳn là phải dụng tâm và dụng trí biết bao.

Khi bộ sách ra đời, bạn tôi kể đã có những bài báo nhìn nhận không tốt về những nỗ lực của Nhã Nam và nhóm thực hiện sách. Bạn ấy nói, những ý kiến kia phản đối sự cách tân trong những câu chuyện cổ tích quen thuộc với chúng ta từ ngàn đời. Bản thân tôi lại nghĩ, nếu quả thực có những ý kiến như thế, thì người viết kia có phải đã quên đi bản chất sáng tạo không ngừng của nghệ thuật hay không? Hơn thế nữa, cổ tích vốn nên là chuyện được kể lại trong dân gian, là quyền tự do truyền đạt những suy tưởng, niềm tin và cảm hứng của mọi người. Và thời nào thức ấy, ngày xưa chúng ta nghe bà kể chuyện cổ quanh bếp lửa, nghe mẹ hát khúc Trương Chi giữa trưa hè, thì ngày nay lại một lần nữa tiếp cận bằng một dạng thức mới, muôn sắc muôn màu, nhưng tựu trung cũng là một hình thức “kể” mà thôi. Quan trọng, là phía sau những trang màu đẹp đẽ và những con chữ vẹn tròn, tấm lòng của người kể lúc nào cũng chan chứa chân thành.

.

.

Quỳnh Như

    • ryanclow
    • August 18th, 2010

    Ôi vẽ đẹp lắm lắm !!!
    Nội dung cũng thú vị nữa nhưng mà -,- một lần tậu hết về như bạn Yue thì mình -.- không làm nổi đâu

    • Moonie Mun
    • August 18th, 2010

    Great entry, Yue.

      • Quỳnh Như
      • August 18th, 2010

      Cảm ơn ss >.<

    • Quỳnh Như
    • August 18th, 2010

    Có hai quyển mới ra mình chưa tậu được ‘ ‘-

    Mà công nhận, rằng không chỉ là đẹp, mà còn thấy rất rõ những nỗ lực của các họa sĩ và người kể chuyện. Như Thành Phong chẳng hạn, trước đây đã rất thích nét của anh ấy, nhưng những gì anh ấy làm được qua từng bức vẽ cho Bốn Anh Tài đã chứng tỏ một bản lĩnh thật sự. Concept art của Bích Khoa trông vừa chững chạc lại vừa mềm mại hơn hẳn. Nói tóm lại là, nhìn sách mà sướng cả từ mắt tới tim :D

  1. bích khoa vẽ đẹp quá >__<

    • thường xuân
    • August 19th, 2010

    Bạn Như khoái đọc truyện trẻ con nhỉ, mình cũng thích phong cách viết của bạn, rất trong sáng :D
    Hơi buồn cười tí nhưng có nhiều quyển lớn rồi đọc lại thấy hay hơn hồi bé :D

  2. Có thể nói đây là bộ truyện cổ tích có chất lượng tốt nhất trong những năm gần đây mà các họa sĩ trẻ VN đem đếm cho đọc giả.

    KL có một ước ao…

  3. Thầy giáo mềnh vẽ quyển Từ Thức gặp tiên :”>

      • chiemphong
      • October 5th, 2010

      Chà, thế bạn có thể giúp tôi hỏi vì sao cuốn ấy vẽ nhìn giống hệt Trung Quốc như vậy không ? Nhìn cuốn ấy chẳng nhận ra truyện do người VN vẽ gì.

  4. Nhã nam nhiều truyện hay nhỉ, lớn rồi nhưng đọc cổ tích vẫn hay :)

    • P.T.
    • April 19th, 2013

    Chỗ Nhã Nam Thư Quán TPHCM cũng có treo hai bức tranh lớn trích từ truyện Trương Chi và 1 truyện nào đó tớ không nhớ tên. Bức của Bích Khoa đẹp mê ly luôn, lại còn to nữa :D

  5. Luôn luôn yêu thích và đón chờ sách, truyện do Nhã Nam phát hành! Đọc truyện cổ tích kiểu tranh vẽ thế này các con đảm bảo mê tít :^^.

  6. Truyện Nhã Nam vẽ tranh đẹp quá, các con sẽ rất thích đây

  1. August 24th, 2010
  2. March 6th, 2011
    Trackback from : Lục Hương

Leave a reply to Dương Huệ Cancel reply