Hảo nữ Trung Hoa – Hân Nhiên

 

Untitled-1

.

Tên sách: Hảo nữ Trung Hoa – The Good Women of China: Hidden Voices

Tác giả: Hân Nhiên

Dịch giả: Tạ Huyền

Nxb Văn hóa Sài Gòn – 2010

———————————————–

.

Khinh phong dạ thoại

 

Lời của gió đêm.

.

Bạn đã bao giờ thao thức trong đêm lắng nghe tiếng gió gào rít qua kẽ lá cành cây, gõ vào những ô cửa sổ cũ kĩ có bản lề lỏng lẻo chưa? Cứ như gió đang tìm một người tri kỉ trong đêm. Tôi luôn có một cảm giác kì lạ với những cơn gió trong đêm tối, những lúc như thế lại thấy gió như một thực thể quạnh quẽ cô đơn, trong sự che chở của bóng đêm mới dám cất tiếng gọi, hy vọng tìm được kẻ lắng nghe mình. Trong bóng đêm khôn cùng, gió, mới dám lên tiếng bộc lộ tâm sự u hoài…

“Chào Hân Nhiên, tôi sắp kể cho chị nghe bí mật của đời mình, điều tôi chưa nói cùng ai”.

Chương trình phát thanh của Hân Nhiên mang tên Khinh phong dạ thoại. Như ngọn gió được đêm đen ôm ấp, chỉ khi thân phận được che giấu và được lắng nghe thật sự, những người phụ nữ Trung Hoa mới dám cất tiếng nói nhỏ nhoi yếu ớt đã bị đè nén suốt cả trăm năm ròng, tiết lộ thế giới bí mật mang đầy những đau thương và tủi nhục.

Tôi còn nhớ năm tôi 15 tuổi có xem qua một bộ phim Trung Quốc nói về Cách mạng văn hóa, tôi đã khóc òa vì sự đối xử khắc nghiệt mà nhân vật nữ chính trong phim phải chịu đựng. Vậy mà đọc Hảo nữ Trung Hoa, mới biết rằng trong cái thời kỳ đen tối và hỗn loạn ấy của lịch sử Trung Quốc, không chỉ một mà có cả trăm, nghìn, thậm chí cả triệu người phụ nữ bị đã chà đạp, lăng nhục, và hủy hoại. Hân Nhiên sau tám năm làm việc tại đài đã không thể tiếp tục đón nhận những nỗi đau đớn tưởng như không bao giờ chấm dứt trên sóng phát thanh ấy. Tôi nghĩ mình có thể hiểu được điều đó. Những câu chuyện đau lòng đã được kể trong Hảo nữ Trung Hoa, sẽ ám ảnh và làm day dứt tâm hồn của cả những con người cứng rắn nhất.

“Mọi gia đình đều có một cuốn sách mà tốt nhất là không nên đọc to lên”. Ngoài những lá thư, cuộc gọi đến chương trình phát thanh, từ năm 1980 đến năm 1987, Hân Nhiên đã phỏng vấn hơn 200 phụ nữ. Bà đã gom góp những cuốn sách bí mật trong từng gia đình, những nỗi đau riêng tư, những bi kịch thầm kín để viết thành một pho sách gây nhức nhối và đầy ám ảnh. Bà đã sang Anh, để có thể tự do đem những câu chuyện đó viết lại chân thực không nghi ngại, cho nỗi đau được chia sẻ chứ không phải cam chịu đè nén trong đau thương và uất hận.

Những người con gái, những người vợ, những người mẹ, đặt trong mối quan hệ giữa những người đàn ông và xã hội đã phải gánh chịu quá nhiều bất công đàn áp. Những cô gái bị cưỡng hiếp, bạo hành đến mức tâm thần không còn ổn định, những người vợ bị đối xử như một công cụ thỏa mãn sinh dục và những cái máy đẻ rệu rã, những người con gái bị tước đoạt tình yêu, những người mẹ phải tận mắt nhìn con mình lìa bỏ cuộc đời… Khi đàn ông là những kẻ vũ phu bội bạc, những tên cuồng dâm, những tên đội lốt Cách mạng để làm những việc dơ bẩn, đớn hèn thì phụ nữ vẫn phải lặng im chịu đựng. Vì họ không có cách bảo vệ chính mình, và cũng không ai bảo vệ họ. Hàng nghìn số phận phụ nữ bị vùi dập và nhấn chìm dưới những quy định cổ hủ và tàn nhẫn của xã hội, trong những biến động lịch sử dữ dội của đất nước Trung Hoa, trong sự thờ ơ và bàng quan của nhân loại. Hân Nhiên đã đem nỗi đau của chính bản thân bà, và nỗi đau của những người phụ nữ khác, giãi bày qua từng trang giấy. Chính sự thật quá phũ phàng mới làm lòng người lay động mạnh mẽ vô cùng khi đọc Hảo nữ Trung Hoa.

Nhưng không chỉ có nỗi đau và niềm uất ức, Hảo nữ Trung Hoa còn là bức tranh ghép đa màu về những khát khao tình yêu, quan niệm hạnh phúc và nhân sinh quan của phụ nữ, những đức tính tốt đẹp vô cùng của họ. Những trang sách đẹp nhất của Hảo nữ Trung Hoa là những trang viết về những người mẹ. Người mẹ với một tình cảm mẫu tử thiêng liêng cao cả có thể làm tất cả chỉ mong cho con mình hạnh phúc. Người mẹ với kí ức đau thương sẽ không bao giờ phai mờ về đứa con đã mất. Những khổ đau lớp lớp của phụ nữ Trung Quốc qua lối kể mộc mạc và chân thực của Hân Nhiên gợi lên trong lòng người đọc một mỹ cảm vô cùng về vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi người phụ nữ. Như chính bà đã từng phát biểu: “Phụ nữ là lực lượng sáng tạo trong vũ trụ này. Họ đem đến cho cuộc sống cái đẹp, cảm xúc và sự nhạy cảm. Họ tinh khiết và trong sạch. Phụ nữ là những tạo vật tuyệt vời nhất…”

Hãy thật can đảm khi đọc Hảo nữ Trung Hoa, vì trái tim bạn sẽ run rẩy và bị bóp nghẹt bởi sự thật phũ phàng và những đau đớn nghẹn ngào ẩn trong trang sách. Một bức tranh đa chiều được viết nên bằng máu và nước mắt, sẽ mãi khắc sâu ấn tượng với bất kì ai đã từng chiêm ngưỡng nó.

For my soulmate,

…birth…

Trinh Nguyễn

    • hieuthao
    • September 29th, 2010

    Bình yên #11

    “Nếu cô không viết ra những câu chuyện này, trái tim cô sẽ tràn ứ và vỡ tung ra bởi chúng” – Hân Nhiên – một nhà báo – phát ngôn viên của một đài phát thanh với chương trình có tên Khinh phong dạ thoại (Lời gió hàng đêm) đã gần như kết cuốn sách dày hơn 400 trang của bà như vậy.

    15 chương, 14 câu chuyện bà viết về thân phận đàn bà, thân phận bị chà đạp, giẫm xéo với một mắt nhìn thương cảm và điềm đạm. Bà dồn nén và đã nhiều lần phải dùng từ “khóc” khi biểu đạt ngôn ngữ của mình. “Hảo nữ Trung Hoa” của Hân Nhiên dường như chưa đủ để khắc họa hết những người phụ nữ ở xứ sở giờ bà đã rời xa. Nơi mà ở đó cũng còn cả một ấu thơ tủi nhục của chính bà.

    Thế giới đã từng chứng kiến và nghe những nhà báo thượng thặng kể lại chuyện dân Mỹ bị khủng hoảng khi tòa tháp đôi sụp đổ giữa New York, giữa dư chấn của trận động đất Tứ Xuyên, Trung Quốc, của hòn đảo của Indonesia, vùng đảo ở Thái Lan bị rung chuyển và xáo trộn vì những cơn sóng thần, nhưng chắc chắn sẽ suy sụp và ít nhất cũng bật khóc (nhất nếu độc giả là nữ) khi được đọc hay nghe Hân Nhiên tả lại. Tôi không phải là một trường hợp cá biệt.

    “Hảo nữ Trung Hoa” của Hân Nhiên được độc giả Phương Tây đón nhận những năm cuối 90 của thế kỉ trước, tận 2008 vừa rồi mới có ấn bản tiếng Việt. Nhưng những kinh nghiệm làm báo, xông pha tìm tới với nhân vật và quan trọng là cách bà dùng cảm xúc của chính bà để lấy được những bình tâm, yêu thương của cả người đọc và nhân vật của bà mới chính là nổi trội trong cuốn sách.

    Tình cảm của bà không đơn thuần chỉ là những tính từ thương cảm, mà chính là hình ảnh của một người đàn bà sẵn sàng thức trắng cả tuần liền cùng người đàn bà đáng tuổi mẹ mình chỉ để im lặng và ngắm Thái Hồ (Dương Châu, Trung Quốc); đặc tả lại một người đàn bà tri thức, nhưng lại thành một người đàn bà nhặt rác, sạch sẽ gọn gàng, cả đời nhận công việc đó vì muốn ở gần con; một cuộc chính biến mà người khổ nhất, đáng thương nhất song lại đáng trọng nhất – vẫn những người đàn bà.

    Tận đáy nỗi đau, xuyên suốt câu chuyện mà Hân Nhiên (nghĩa tiếng Trung là vui vẻ) muốn chuyển tải chính là thân xác người đàn bà bị chính người mà họ thương yêu hay không có tình cảm tấn công, tổn thương. Họ gần như không thể phục hồi về thân thể bởi những vết sẹo ngoài da, bởi những cấu véo và tri giác họ trôi về thế giới khác, không còn thể vui buồn với những tồn tại của cuộc sống quanh họ.

    Cách đây vài hôm, cô bạn đồng nghiệp của tôi lên cơn đau phải vào viện mổ ruột thừa. Bên cạnh bạn vài tiếng đồng hồ ngay gần phòng cấp cứu, tôi được chứng kiến nhiều ca máu me bê bết. Chợt nhận ra, mình không có cảm giác ghê sợ như mọi lần. Hân Nhiên kể lại, cô bé con Hồng Tuyết bị chính cha đẻ mình xâm hại đã chỉ muốn đày đọa bản thân để thật ốm yếu, để được vào viện. Bởi bệnh viện, nơi có sự chăm sóc (dù không đầy đủ) của các y tá, của những lần lấy máu, của những viên thuốc đắng nghét, lại khiến cô lánh xa được người cha mất hết nhân tính con người. Hồng Tuyết đã chết vì nhiễm trùng máu, do cố tình nuôi ruồi để có được tình cảm thân thiết, và cũng dùng ruồi đã chết nhét vào vết đau đang mưng mủ, nhằm kéo dài thời gian nằm viện.

    Hai lần vượt cạn, tôi luôn có được niềm hạnh phúc khi nhìn thấy những sinh linh bé nhỏ lôi tuột khỏi cơ thể mình. Vậy mà, Hân Nhiên tả rằng, những người đàn bà ở Đồi Hét (bên Trung Quốc), do phải “dùng” chung nhiều người đàn ông, phải làm việc quần quật từ sáng tới tối, khi trẻ phải mặc chung những chiếc quần váy vá chằng vá đụp; chân họ cứ chạng ra mỗi bước đi khi chạm tuổi thiếu nữ vì hai lí do: Họ phải dùng những chiếc lá khô, tự đục lỗ, ép mềm mỗi lần thấy tháng và cũng vì phải phục vụ chồng (anh em chồng) cả khi đang bụng mang dạ chửa rồi bị sa tử cung…

    Không rõ có ý đồ hay tự nhiên, Hân Nhiên đã để cho Hồng Tuyết và những người đàn bà của Đồi Hét cảm giác thấy mình luôn hạnh phúc dù họ ở trong vũng lầy – đáy của đau khổ. Hay chính họ đã tìm thấy bình yên.

    Đọc Hân Nhiên, cảm giác nặng nề không có, nhưng nhiều chặng tôi thở dài. Có lúc phải buông sách xuống – gập lại để tìm tận hiểu hết cái nỗi đau mà những người phụ nữ kia đã phải trải qua, lãnh đủ và cũng không muốn hết cái câu chuyện hấp dẫn mà Hân Nhiên đã tạo ra.

    • December 24th, 2010

    “Hãy thật can đảm khi đọc Hảo nữ Trung Hoa”

    Rất thích câu này của Phi Yên, cảm vì đã có bạn viết giúp cảm xúc của tôi về “Hảo nữ Trung Hoa” và “Thiếu nữ chơi cờ vây”.

    Cám ơn bạn.

    Đôi lúc, đọc một thứ cũng cần đến sự chờ đợi dũng cảm trong tĩnh lặng!

      • Phi Yên
      • January 31st, 2011

      Bạn có thể cho mình hỏi, bạn có phải là em Vũ mà Phương Rong hay nhắc đến không? :)

  1. Rất tiếc cho bạn rằng mình không phải người bạn muốn nhắc đến ^^.

    Năm mới an lành!

    • tập sống đểu
    • September 16th, 2015

    cho mk xin click đọc online truyện này vs

  1. No trackbacks yet.

Leave a reply to Phi Yên Cancel reply