Lolita-Vladimir Nabokov

Tác giả:Vladimir Nabokov

NXB: Nhã Nam

Giá: 100.000 VND

Về nội dung của Lolita tôi nghĩ đa phần những người đọc sách đều đã biết sơ qua nên mạn phép không nhắc lại. Những tranh cãi xung quanh quyển sách ở đây tôi cũng mạn phép không đề cập tới. Tất cả những gì tôi nói trong bài viết này chỉ là cảm quan của riêng bản thân khi đọc Lolita.

Các bạn lúc xem phim có lẽ sẽ hay bắt gặp thủ pháp khi miêu tả dưới góc nhìn của một nhân vật bị say, hoang tưởng…nói chung là trong những trường hợp mà thần kinh không ở trạng thái bình thường thì khung cảnh thường được xây dựng nhòe đi ở phần rìa, những chi tiết còn lại ở trung tâm thường sáng lên trong một thứ ánh sáng kì dị, những màu sắc, âm thanh, sự vật trong đó vừa rõ ràng nhưng lại vừa mờ ảo. Tôi đọc Lolita, và những khung cảnh hiện ra trong đầu tôi cũng phần nào như thế. Điều này cũng có phần hợp lý vì Lolita được viết dưới góc nhìn của Humbert Humbert, một kẻ mà đầu óc tương đối không bình thường (và tôi không nói về cái thú vui cá nhân của gã).

Tất cả đều là về Lolita, trong con mắt của Humbert Humbert, những khung cảnh có Lolita đều tựa như rực sáng trong thứ ánh sáng màu hồng nhạt và thấm đẫm trong đó một thứ hương vị đầy nhục dục , thứ mùi của những cuộc ái tình vụng trộm, hòa quyện giữa xạ hương, của chăn gối ẩm mốc, của những phòng khách sạn rẻ tiền, của tội lỗi và thèm khát. Lolita là nàng thơ, Lolita là ám ảnh, Lolita là cám dỗ, Lolita là tội lỗi…tất cả đều là về Lolita. Khi rời khỏi Lolita, tất cả những điều đó cũng vụt tắt, chỉ còn một không gian rõ ràng hơn, nhưng xám xịt và đầy chán nản. Từng câu, từng chữ bơm vào đầu người đọc một thứ hỗn hợp với tỉ lệ rất khéo giữa hợp lý và bất hợp lý, giữa luân thường đạo lý và dục vọng nội tâm, giữa kết tội và bạo biện để rồi từ từ xóa nhòa đi ranh giới giữa những thứ ấy một cách rất từ tốn, thậm chí làm nhòe luôn cả lằn ranh giữa Humbert Humbert và người đọc. Càng nói về Lolita, chính bản thân người viết bài có vẻ sẽ còn lảm nhảm nhiều nữa, vì quá nhiều nhưng cũng quá ít, đó có lẽ là thứ cảm giác “phiêu” mà người ta hay nói trong những cơn say chếnh choáng, mỗi người sẽ có miêu tả khác nhau. Nếu nói mãi có khi sẽ đâm ra dài dòng lè nhè phản cảm, nên thôi vậy, xin dừng bút tại đây. Những cảm xúc ấy nhường lại phần người đọc tự mình trải nghiệm.

Walaw21 

Tái bút:

1/ Cá nhân tôi rất trân trọng và vừa ý với bản dịch của bác Dương Tường cũng như các chú thích đầy công phu dành cho quyển sách, nhưng có lẽ vì ám ảnh với cái chuyện khung cảnh “say xỉn” đã nói ở trên nên tôi không thích lắm cái việc để chú thích cho những lần xuất hiên bí mật của Q. Tôi thích cứ để nguyên thế đến cuối, khi tỉnh người lại hoặc khi đọc lại, mình có được cái cảm giác ngờ ngợ rồi đánh đét vào đùi mà bảo rằng:”Ra là thằng cha này xuất hiện từ lúc đó!”. Không biết có ai chia sẻ cảm giác này với tôi chăng?

2/ Đừng vì tôi nhắc nhở nhiều tới sự “say xỉn” mà nghĩ tôi cổ súy cho các chất gây nghiện.

    • FCE
    • June 4th, 2012

    Hic, ko đọc chú thích thì sợ ko hiểu, mà đọc chú thích thì cứ biết trước dc thằng cha Q, cũng hơi nản.
    Nói chung em nghĩ phải sắp xếp thời gian sao cho lúc đọc xong cũng là lúc đi làm/học lại, chứ còn để 1 khoảng thời gian trống thì chắc chắn là bị khủng hoảng, hic, nguyên buổi chiều chủ nhật ngồi tự kỉ.

    • hntblog
    • June 4th, 2012

    Bác Dương Tường thật dở trong phần chú thích này, mình nghĩ chỉ nên viết một phần coi như là cảm nhận của bác ý ( như trong Kafka bên bờ biển) để nhắc khéo người đọc nên chú ý phần quan trọng. Chứ đọc chú thích nói Q. tùm lum tùm la rồi rốt cuộc tới phần cuối mới gặp ảnh :D

  1. No trackbacks yet.

Leave a reply to hntblog Cancel reply