Rừng Nauy – Haruki Murakami

Tên sách : Rừng Nauy (Noruwei no mori)

Tác giả : Haruki Murakami

Dịch giả: Trịnh Lữ

NXB Hội Nhà Văn (xb năm 2006)

.

~oOo~

Cảm nhận của một người nào đó về cuốn sách vĩnh viễn chỉ là của riêng người đó mà thôi. Nếu chưa đọc Rừng Na Uy, bạn nên thử đọc một số trích đoạn ngắn và đọc tác phẩm để có những nhận định của riêng mình, làm ơn đừng để những lời của tôi khiến bạn hiểu sai một phần nào đó về câu chuyện trong cuốn sách này, tôi sẽ cảm thấy thật có lỗi.

Viết những dòng này về Rừng Na Uy, giống như lời thanh minh của bản thân cho một cuốn sách, cho những nhận định của riêng tôi, về cuốn sách đã đủ cho nhận định “văn học là nhân học’.

Ai biết tới cuốn sách này cũng đều đã nghe một hai lời nhận xét về nó: với một số ấn tượng là tình dục được nhắc tới như một phương thức của tình yêu, với một số khác lại ám ảnh những cái chết. Đó là nhận định của họ, còn với tôi, Rừng Na Uy nhẹ nhàng và đầy mộng ảo tựa như không khí của ca khúc cùng tên mà The Beatles đã ngân nga nhiều năm về trước.

Khi đọc cuốn sách này, tôi vừa tròn mười bảy tuổi. Tôi say mê suy ngẫm từng trang sách bởi vì tôi thấy bóng hình mình trong mỗi nhân vật, tôi thấy được một góc tâm hồn mình trong suy nghĩ những người trẻ ấy.Khung cảnh mở đầu của câu chuyện buổi hẹn hò của Naoko và Toru rồi sau đó về ngôi trường của Toru và Midori, khoảng đê ngắn hay con đường lang thang của Toru hết thảy nhẹ nhàng phác họa nên một thiên nhiên nước Nhật thanh bình và tươi đẹp. Còn cả những buổi chăm sóc cho bố của Midori dù hai người mới chỉ gặp mặt, Toru với tôi là chàng trai ấm áp và lương thiện giữ hơi ấm cho toàn câu chuyện, tựa như ánh nắng trong khung cảnh đầu tiên. Chính cái phông nên yên ả đó lại đối lập gay gắt với sóng dữ trong tâm hồn mỗi con người xuất hiện sau này.

Có đôi lúc tôi cảm thấy mình nhìn được nội tâm của họ, Kizuki hay Naoko và chính cả Toru nữa. Họ gần gũi, hiện thân trên chính những con người ở quanh tôi thôi. Họ trong mắt người lớn chỉ là những đứa trẻ, thậm chí Toru mười tám hai mươi tuổi và cả Nagasawa và Quốc xã cũng chỉ là những đứa trẻ trong xã hội rộng lớn. Thế nhưng trẻ chẳng có nghĩa rằng tâm hồn chẳng có sóng. Và có đôi khi, những con sóng trong tâm hồn người trẻ còn mãnh liệt hơn hết thảy. Cơn sóng trong lòng Kizuki và Naoko chẳng phải đã nhấn chím cả sinh mạng của họ hay sao? Đọc truyện bạn có thấy Nagasawa là một con cáo già không?

Cảnh tôi nhớ nhiều, là sân thượng nhà Midori, hai người trẻ uống bia nhìn đám cháy đằng xa rồi họ hát. Cái sự thản nhiên đến hờ hững giống như họ đứng ngoài cuộc sống ấy, thực ra chỉ là của Midori mà thôi, đáng nói là sự thản nhiên ấy nó lây lan được, bằng chứng rằng bên cạnh cô uống bia còn có cả anh chàng Toru. Có chăng giữa những con người ấy, trẻ nhất là nhân vật chính, Toru Wantanabe của chúng ta. Cậu ấy ngây thơ và suy nghĩ đơn giản hay do chính ngòi bút tác giả “tiết kiệm” về cậu ấy để hình ảnh Toru như một hiện thân của độc giả: biết thật ít, và cứ thụ động chờ chuyện tiếp theo? Các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện, dù ở lứa tuổi nào họ đều đã có một cá tính hình thành xác định, sẽ không vì những gì bên ngoài mà thay đổi. Ngược lại chỉ còn Toru, luôn hứng chịu cảm xúc của những người xung quanh để rồi lại thay đổi chính bản thân mình. Cậu ấy, có phần đáng thương.

Chẳng hoa mỹ và dài dòng, câu chuyện đơn giản cô đọng với những tình tiết xảy ra là cuộc đời thật, có người chết có kẻ tổn thương và nhân vật chính khi chẳng biết làm gì cũng chỉ trốn chạy mà thôi.Nhiều người kiếm tìm mãi lời tác giả muốn chuyển tải trong câu chuyện. Còn tôi, dường như đã nhận được đủ những thứ mà mình cần.

Mỗi con người có một cuộc đời duy nhất để sống và tiến bước về phía trước dù chẳng biết điều gì sẽ xảy ra. Haruki dường như đã cho tôi thấy ông năm được trái tim và suy nghĩ của mọi người vẽ nên một xã hội chính xác những con người xuất hiện quanh tôi. Và, cái kết cho mỗi số phận, dường như là lời tiên đoán có cơ sở nhất cho cuộc đời con người. Cách sống của Naoko, cô ấy sẽ chết dù bao nhiêu người níu giữ. Cách sống của Nagasawa rồi cậu ta sẽ đứng ở vị trí cao trong xã hội, nhưng cũng chỉ có vậy. Còn Toru cậu ấy biết cho đi và nhận lại, còn đường có trắc trở dường như đã tìm được cái thỏa nỗi lòng cậu.

Và sẽ thật thiếu sót khi không nhắc tới yếu tố sex khiến nhiều người ấn tượng với tác phẩm này. Thế nhưng thực ra nó có ấn tượng đến thế không? Cũng giống như một nụ hôn của cặp ‘gà bông” nào đó trên sân trường ngày nắng, mỗi một mối quan hệ Toru đều ghi nhớ bởi vì cậu ấy trân trọng. Có người không hiểu Murakami để nhiều tình tiết sex vào truyện để làm gì, tôi cũng không hiểu họ chẳng đọc được nhưng dòng viết của tác giả hay sao? Cảm xúc trân trọng với Naoko hay sự thanh thản trưởng thành với Reiko. Cảm xúc của con người thể hiện rõ ràng cùng với hành động chân thực, nếu không phải thể hiện thế nào? Thế nên, tôi thích cái cách viết của Murakami. Ông ấy đã giữ cây bút thẳng từ đầu đến cuối tác phẩm, nhẹ nhàng mà kiên quyết lưu giữ lại tính cách kiên định và chân thành của Toru. Một chàng trai ít nói và có đôi khi bình lặng đến thản nhiên, cậu ấy như tấm gương phản chiếu hết thảy những con người xung quanh.

Gấp lại cuốn sách trong tâm trí tôi là ánh nắm ấm áp mở đầu tác phẩm và để lại hơi sáng ở phần kết, với tôi cuốn sách dịu dàng đến không tưởng, kể cả cái buổi đêm Naoko ra đi cũng dịu dàng yếu ớt. Thế nhưng lại vừa đủ ám ảnh trong tâm trí tôi, nhắc nhở nhỏ rằng cách sống của tôi trong xã hội mà tôi luôn tương tác với những người xung quanh và chịu ảnh hưởng từ họ.

.

Dịu dàng và mộng ảo mênh mang, tự như bài hát cùng tên The Beatles ngân nga năm đó, vậy nên đọc sách và nghe nhạc, hẳn bạn sẽ tìm được cho mình điều gì đó đáng giá.

Mai Ling

09.04.2014

.

    • Colorless
    • October 25th, 2014

    Bài viết của bạn khiến tôi nhớ lại những cảm xúc của mình khi đọc Rừng Na Uy. Năm ấy tôi cũng chỉ 17 tuổi và cuốn sách thực sự đã thay đổi rất nhiều suy nghĩ của tôi.
    Góp ý một chút về lỗi chính tả nhé :) Reiko chứ k phải Reika và ở đoạn cuối là “tương tác” nhé :)

    • Cảm ơn bạn đã góp ý về lỗi typo, mình đã sửa rồi.

  1. Mình đọc Rừng Na Uy khi tròn 18 tuổi. Trước đó mình đã đọc đủ các đoạn sex hot nhất của nó vì tò mò :)) nhưng đợi đến 18 tuổi thì mình thấy đã đến lúc để hiểu về nó nhiều hơn thế. Bạn nhận xét rất đúng với mình, Rừng Na Uy dịu dàng và ảo mộng y như bài hát nó mang tên.
    Có điều nếu dịch đúng ra (theo ý nghĩa của bài hát) thì phải là Gỗ Na Uy mới phải. Nhưng Rừng Na Uy khiến tác phẩm nghe thơ hơn nhiều <3

    • Wood cũng có nghĩa là rừng bạn, dịch ko sai đâu :)

      • Không bạn ạ, dịch theo mạch truyện của bài hát cơ. Lời bài hát là “I once had a girl… She showed me her room, isn’t it good, Norwegian wood?” (Cô ấy dẫn tôi về phòng/Đồ đạc đẹp đấy chứ, là gỗ Na Uy). Rõ hơn nữa là đoạn sau “This bird has flown/Then I lit a fire/ Isn’t it good, Norwegian wood?” (Chú chim nhỏ đã bay mất rồi/Tôi đốt rụi tất cả/Lửa thật bén phải không, là gỗ Na Uy.) Dịch có hơi lủng củng nhưng ý là vậy :))

      • Xin lỗi bạn mình quên để ý reply :D

        Dịch theo mạch bài hát thì “gỗ Na Uy” cũng hơi gượng. Cả 2 câu hát thì “Norwegian wood” đều nằm cuối câu ngay trước dấu chấm hỏi, có thể hiểu như là gọi tên nhau để trò chuyện (Ex: “How do you do, bro?”)

        Anw, ý mình chỉ là dịch thành “rừng” cũng hợp lí thôi :DD

        All the best!

  1. April 3rd, 2015

Leave a reply to I am Dạ Ly Cancel reply