Người tình Spunik – Haruki Murakami

Spunik Sweetheart

Tựa sách: Người tình Sputnik ( スプートニクの恋人)

Tác giả: Haruki Murakami

Người dịch: Ngân Xuyên

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhã Nam năm 2008

.

~oOo~

Năm 22 tuổi tôi ghét cay ghét đắng, không phải lần đầu tiên trong đời. Cơn ghét bỏ này vốn cũng vô hại, chỉ đủ phủ vài lớp bụi dày một quyển sách có cái bìa xấu xí và thô lậu do Nhã Nam làm vội (mà tôi đồ rằng có lẽ họa sĩ thấy ngực phụ nữ Nhật bên bìa của Vintage làm chất nghệ quá nên áp dụng ngực người mẫu Việt lên bìa bản An-Nam chăng?), chun mũi bĩu môi khi có ai nhắc đến tên và thở dài ngáp ngắn khi các bạn thân của tôi nói về nó. Người tôi ghét chẳng có gì vô tình cả – là phụ nữ và bằng tuổi tôi. Đoạn trích dưới đây là “nơi bắt đầu và cũng là kết thúc”, nếu nói văn vẻ  theo lời Bằng Kiều hát:

“Có ông bố đẹp trai như vậy em thấy thế nào?” Miu hỏi. “Chị chỉ tò mò thôi.”

Sumire thở dài – con người có thể dễ đoán biết như thế đấy. “Em không thể nói là em thích được. Mọi người đều nghĩ như nhau: thật là một người đẹp trai. Một nhân vật thật sự nổi bật. Nhưng con gái ông ta, ờ – cô ta chẳng có nhiều thứ cho người ta nhìn, đúng không. Họ nghĩ chắc hẳn đó là cái được gọi là sự lại giống.”

Miu quay sang Sumire, nhẹ nhàng kéo cằm cô và chăm chú nhìn thẳng vào mặt như đang chiêm ngưỡng một bức tranh trong phòng triển lãm nghệ thuật.

“Nếu đây là điều em cảm thấy từ trước tới nay thì em đã nhầm,” chị nói. “Em rất đáng yêu. Thứ gì của em cũng y như bố em vậy.” Chị nhoài người, và với thái độ khá tự nhiên, chạm nhẹ vào cánh tay Sumire đang đặt trên bàn. “Em không nhận ra em hấp dẫn thế nào đâu.”

Sumire nóng bừng mặt. Tim cô đập thình thịch như tiếng ngựa phi trên cây cầu gỗ.

Chuyện là, Sumire đáng thương sinh nhằm chòm Thiên Yết tràn đầy dục vọng từ giây phút Miu chạm vào cô đã nhận ra mình yêu, nhưng không hiểu nổi ái tình mà chỉ biết mình thèm muốn chiếm hữu. Chỉ tiếc rằng cô không ở Việt Nam để có thể nghe thấy lời Phương Thanh và Đàm Vĩnh Hưng cùng Minh Thuận hát thống thiết: “Tình yêu ôi em sợ tình yêu/ Vì tình yêu như là hương hoa/ Lỡ mai sau em mất người yêu em khổ thật nhiều” mà đâm đầu vào thứ tình cảm cô nghĩ là yêu ấy. Chúng ta có thể sẽ có một kết cục mang tính thuần khiết hơn, ví dụ như Sumire yêu Miu và chấp nhận chị với một tình yêu Platonic nhưng Murakami, “nhà thiền sư trong thế giới văn chương” với cung hoàng đạo Đất đặc trưng của mình luôn hào phóng từ thiện cho độc giả xôi thịt dù có những người chỉ ăn được cơm chay… đời nào làm vậy. Và thế là tình yêu đau khổ không kém gì tiểu thuyết của Trương Ái Linh bắt đầu.

Cuối cùng, vì không chịu nổi đau khổ nên Sumire bỏ đi qua phía bên kia tấm gương.

Sumire đi qua phía bên kia tấm gương, hiển nhiên rồi. Nhưng tôi không biết đó có phải là một lựa chọn đúng đắn không. Tôi vẫn thương Miu và K. hơn Sumire rất nhiều. Họ cần cô, cô biết, nhưng cô lại theo đuổi thứ ảo ảnh toàn vẹn ở một không gian, thời gian chính cô không thuộc về với niềm khao khát ngây thơ và rồ dại, cùng sự tuyệt vọng ướt đẫm bản thân của hai mươi hai năm cộng lại. Cô đi.

“Người sẽ còn thương tôi khi tôi đã đi qua thời xuân sắc?

Người sẽ còn thương tôi khi tôi chẳng còn gì ngoài một mảnh hồn rách nát đau thương?”*

Cuối cùng thì Sumire cũng giống như mọi người. Cuối cùng thì cô cũng chỉ thích một linh hồn hoàn mỹ và chối từ những mất mát rách bươm.

Làm sao có thể đổ tội cho Sumire? Tôi chỉ thương Miu. Chị đã mất đi mọi thứ thuộc về bản ngã ở tuổi hai mươi nhăm, và mười bốn năm sau lại gặp được một con người có thể cho chị cảm giác được lấp đầy một chút nhưng con người ấy cuối cùng lại không chấp nhận được sự thật rằng chị là một kẻ bất toàn và lên đường tìm kiếm chị của sự hoàn mỹ nhất dù chưa chắc Miu-hoàn-mỹ sẽ yêu thương đáp trả mình. Trong truyện của Oscar Wilde từng có đoạn hồ nước khóc nấc lên vì chàng Narcissus hay soi mình xuống mặt hồ đã chết vì tương tư chính bản thân chàng, từ nay sẽ không còn ai có thể cho hồ nước được nhìn thấy chính vẻ đẹp của nó trong một đôi mắt dịu dàng như thế nữa. Miu nhìn thấy một mình toàn vẹn trong ánh mắt ngưỡng mộ của Sumire, còn Sumire thì được nghe những lời khen chân thành và lạ lẫm mà trước đến nay cô chưa từng nghe ai nói thế bao giờ từ Miu. Họ nhìn nhau nhưng không trông thấy đối phương mà chỉ đang nhìn rõ con người mình trong đôi mắt và lời nói của người còn lại. Đó là một mối quan hệ cân bằng và cộng sinh.

Ấy vậy mà con bé Sumire ngây thơ và rồ dại, đứa con gái hai mươi hai tuổi non nớt ngu xuẩn và kiêu hãnh một cách phi lý ấy lại chẳng thể nhận ra được vẻ đẹp bất toàn thực sự của Miu. Với thứ nhân sinh quan nông cạn cùng sự lãng mạn hoang tưởng đến vô phương cứu chữa, Sumire chỉ có thể ngưỡng mộ vẻ bề ngoài của Miu rồi khao khát những thứ dục vọng ẩn sâu bên trong mà bỏ lỡ đi nội tại thống khổ – cũng là bản ngã Miu đã đánh mất. Miu yêu Sumire nhưng Sumire lại không đủ tinh tế để nhận ra được tình yêu ấy. Làm gì trên đời lại có một người không bằng cấp, không kỹ năng được nhận vào làm thư ký riêng của giám đốc, mà lại còn được tặng cho một chuyến du lịch nước ngoài chỉ vì đã bỏ hút thuốc trong khi không hề có “Vòng eo 56” hay khuôn mặt đáng thương? Vô lý!

Thế là Sumire hăm hở trong đau khổ bỏ đi, dứt khoát và đanh thép, để lại sau lưng một Miu day dứt trong một bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi chưa giặt. Sau khi đi chán chê mê mỏi rồi, cô gọi điện báo cho K. biết mình đã về sau khi trải qua biết bao địa ngục và gian nan như hành trình của Odyssey, sau đó bảo K. hãy đón cô về. Thôi được rồi, đến phút cuối này tôi sẽ nói một lời công đạo cho Sumire: Cô giống như Icarus trong thần thoại Hy Lạp.

Thật ra Miu cũng như mặt trời, là một thứ được mặc định như sau: Đẹp, nhưng ngoài tầm với và không bao giờ có thể chạm vào.

Thế nên khi nhìn thấy Icarus, nhìn thấy sự bừng bừng khao khát đầy háo hức tuổi trẻ của chàng, mặt trời đã không ghét mà muốn có chàng làm bầu bạn. Nhưng bởi vì cô độc và cao cao tại thượng quá lâu nên mặt trời không biết yêu thương đúng cách. Dùng sự nóng bỏng của mình run rẩy chạm vào đôi cánh của chàng trai trẻ, muốn nhờ những ánh nắng nói với chàng lời tri âm… Nhưng vô tình lại khiến cánh chàng bốc cháy, ngã xuống đáy biển.

Nhưng biết đâu, nếu là mặt trời thì Icarus tình nguyện để cánh mình bốc cháy, còn mình đoán trước được số phận sẽ phải vùi thân dưới lòng biển sâu lạnh ngắt, miễn là được gần vầng dương đã tâm niệm từ lâu dù chỉ trong thoáng chốc?

.

Tôi chỉ nói thế thôi. Dù sao Sumire cũng đã trở về rồi…

10.04.2016

K-loves-mirrors

Ghi chú:

*: Dịch trích dẫn từ bài hát “Young & Beautiful” của Lana Del Rey

Các bạn có thể đọc bài cảm nhận khác về  “Người tình Spnik“do Vankey viết tại đây.

 

    • strongerle
    • April 28th, 2016

    giọng văn của bạn này lạ phết, có điều thấy nó hơi bị khó đọc hiểu.

    • Mình đã biên tập theo yêu cầu của Reading Cafe và của người viết. Không hiểu bạn khó đọc hiểu phần nào, chỗ nào cần thắc mắc, mình sẽ chuyển lời đến người viết bài để bạn ấy giải thích trực tiếp trên comment cho bạn?
      Thân.

        • strongerle
        • April 28th, 2016

        cảm ơn Vankey, đọc 2 lượt thì mình không còn thắc mắc gì nữa.

  1. No trackbacks yet.

Leave a reply to Vankey Cancel reply