Nhẫn thạch-Atiq Rahimi

.

Tựa sách: Nhẫn Thạch

Tác giả: Atiq Rahimi

NXB: Nhã Nam-NXB Hội Nhà Văn

Giá bìa: 32000đ

 ~oOo~

.

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình.Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

  Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo. Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.

  Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình… Bình yên thật sự. “Ta chấm bức tranh này!” – Nhà vua công bố:

  ” Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên”

(st).

Tôi đọc Nhẫn Thạch của Atiq Rahimi và nghĩ về câu chuyện này. Như con chim mẹ tìm thấy sự bình yên trong việc xây tổ, người phụ nữ ấy tìm thấy sự bình yên trong việc ngày ngày đem những bí mật chôn chặt nhất trong lòng mình gửi vào nhẫn thạch, người chồng bất động của chị. Thời gian cứ chầm chậm trôi, trong “Nhẫn thạch”, không có ngày tháng, không có phút giây, chỉ có những vòng chuỗi hạt, những lần gõ cửa, những hơi thở, và những lời rì rầm. Những nhân vật không tên, người đàn ông, người đàn bà, cậu thanh niên, bà cô già lại nổi lên trên những nhân vật có tên, quyện chặt vào nhau, mơn trớn nhau, tổn thương nhau, yêu thương nhau…trong một bức tranh đa sắc với nền là không gian đầy bụi bặm và thuốc súng của cuộc nổi loạn  với những giấc mơ, những hồi ức, những câu chuyện, những lời nói dối, những lời nói thật là những đường kết nối. Giữa bức tranh ấy, hình tượng người phụ nữ ám ảnh tôi như ảnh trên trang bìa, chỉ có đôi mắt là nhìn thấy được qua lớp mạng che mặt, một đôi mắt như đã nhìn thấu tất cả mọi thứ, chị đứng giữa những hỗn mang và lặng lẽ làm việc của mình.

Tôi nghĩ đến chị và nữ lãnh chúa trong “Lụa” của nhà văn Alessandro Baricco, hai nhân vật nữ, hai nhân vật không tên, họ sống một cách im lìm, chịu đựng tất cả mọi thứ, hút tất cả mọi thứ vào sâu trong lòng họ, như những miếng bọt biển, những vụng về hung hãn, hám tình, kiêu hãnh, dũng cảm, ngu ngốc…của đàn ông, họ cũng là một dạng nhẫn thạch, rồi một ngày họ vỡ ra. Lúc đầu chỉ là những giọt nước nhỏ, như với tay với lấy ly trà, như nói một chuyện bí mật trước mặt chồng. Rồi từ từ như đê vỡ, những chất chứa trong lòng cứ thế tuôn ra, không thể kiểm soát được, những giọt nước lớn dần lên, thành dòng, rồi ào ạt tuôn như thác đổ. Nhẫn thạch, là họ, vỡ ra, và họ được tự do. Đó có thể là ngày cuối cùng của cuộc đời họ, nhưng có hề gì, họ đã tự do.

Như tôi đã từng vô cùng ám ảnh khi ngàn vạn con chim tung cánh bay ra khỏi lồng, những cánh chim đan vào nhau che tối cả bầu trời và nổi lên trên khung cảnh ấy là chiếc kimono đỏ thắm của nữ lãnh chúa, tôi cũng ám ảnh như vậy về cảnh cuối cùng trong “Nhẫn thạch”, khi người chồng sống lại, vừa như sứ giả của cái chết, vừa như thiên sứ giải thoát khỏi muộn phiền, ánh sáng của ngày hôm ấy làm tôi nghĩ đến ánh hào quang và người phụ nữ ấy đã ra đi trong sự thanh thản tuyệt đối. Đó không phải là một sự bi ai, đó là khúc hoan ca của cái chết, là sự khải huyền mà Thượng Đế của chị dành cho chị.

Trong “Nhẫn thạch” còn có tình yêu vừa như tình yêu nam nữ, vừa như tình cảm mẹ con, lại vừa như những người đồng cảnh ngộ, như một sợi chỉ xanh len lỏi trong toàn bộ khung cảnh ảm đạm, giữa người phụ nữ và cậu thanh niên vừa vỡ giọng. Bắt đầu bằng một lời nói dối, rồi những tiếng gõ cửa ngập ngừng, cánh cửa được sửa, túi quà được để lại, chị chăm sóc gã thanh niên ấy bằng một thứ tình yêu không rõ hình và gã cũng đáp lại chị bằng thứ tình cảm tượng tự. Những hạt giống rất nhỏ của hy vọng lại nảy mầm, một chút gì đó thôi, giữa đống hoang tàn đổ nát. Hạt giống ấy rồi sẽ ra sao? Kết thúc của nó là gì? Như câu chuyện cổ tích ám ảnh được kể vào giữa, kết thúc tôi e mỗi người phải tự tìm kiếm cho bản thân. Và hy vọng rằng:

”Người đàn ông hay người đàn bà nào biết được sẽ có cuộc đời tránh khỏi mọi đau khổ!”

(Nhẫn thạch-Atiq Rahimi)

12/7/2012

Walaw

  1. Trong tác phẩm này có một chi tiết khiến em rất suy nghĩ đó là chi tiết về con ruồi đã chui vào miệng người chồng… Em cảm thấy em chưa hiểu nhiều về chi tiết ấy cũng như toàn bộ tác phẩm này lắm dù thực sự em cảm thấy nó rất giá trị…

      • Thu Nhi
      • April 1st, 2013

      Đúng mình cũng không hiểu chi tiết con ruồi chui vào miệng người chồng có ẩn ý gì. Hình ảnh người chồng vùng dậy ở đoạn cuối câu chuyện là do người phụ nữ ảo tưởng hay là người phụ nữ bế tắc cuối cùng tự tử.

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment