Quán cháo trắng của Giới Sân – Thích Giới Sân

Quan chao trang

 

.

Tựa sách: Quán cháo trắng của Giới Sân

Tác giả: Thích Giới Sân

Dịch giả: Thánh Tâm – Nguyễn Thành Phước

Nxb Văn học 2015

.

Trong cuộc sống, khó tránh khỏi những quãng thời gian mà ngày nào tôi cũng cảm thấy mệt mỏi. Mệt mỏi vì những trắc trở trong công việc, mệt mỏi vì những bất đồng trong ý kiến, mệt mỏi vì thất vọng với con người và cách hành xử của họ… Những lúc như thế, tôi chỉ có thể loay hoay đi tìm sự cứu rỗi từ trong những trang sách, lần này chính là Quán cháo trắng của Giới Sân.

Tôi không muốn nhắc lại những lời khen có cánh, những tóm tắt bảo chứng cho tác phẩm được in trên bìa sách. Đối với tôi, Quán cháo trắng của Giới Sân là một quyển sách có tác dụng như ngụm nước suối mát lành hớp được khi đang khát khô cả cổ, như tàng cây râm mát bất chợt tìm thấy trên con đường đi gắt nắng, như liều thuốc an thần cho những ai đang hằng đêm trằn trọc bất an nơi đô thành tráng lệ mà tâm trạng chỉ chất chứa những ủ dột sầu bi.

Chú tiểu Giới Sân sống trong một làng nhỏ ở Trung Quốc hiện đại cùng với hai vị sư phụ và một vài tiểu khác. Cuộc sống nơi xa xôi ấy được chú viết lại thành một tập hợp những sự kiện nhỏ, từ đó đưa ra những bài học tâm đắc mà chú suy ngẫm được từ những chuyện đã xảy ra. Cuộc sống nhà chùa không lững lờ trôi qua một cách buồn chán mà rất đỗi sinh động, đáng yêu, có sơn thủy hữu tình, có gió trăng hoa lá, có cư dân chân chất, có phố làng nhộn nhịp. Càng đọc sẽ càng có thể hình dung rõ ràng bóng dáng của ngôi chùa nhỏ mang tên Thiên Minh trên dốc núi Mao thoai thoải, thác Tam Trùng lung linh mỹ lệ, trấn Diểu nhỏ nhắn với những sinh hoạt đơn thuần và ngây ngô như chẳng hề bị thời đại số làm ảnh hưởng, tất thảy hợp lại đẹp tựa một bức tranh thủy mặc.

Tôi cho rằng, để dũng cảm bộc lộ hết tâm tư tình cảm của một người tu hành ở độ tuổi còn rất trẻ, thậm chí đôi khi còn là giãi bày những lưu luyến của Giới Sân với chốn hồng trần thật không đơn giản. Thế mà chú giãi bày rất mực chân thành, rất hợp tình hợp lý, chân phương mộc mạc khiến người đọc là tôi đây thật mến và nể trọng chú biết bao. Không những thế, cách mà Giới Sân đưa ra những kiến giải và đánh giá của bản thân chú đối với từng sự việc diễn ra trong cuộc sống rất tự nhiên và thỏa đáng, không giáo điều răn dạy, không lý lẽ nặng nề, nhưng một cách nào đó lại len lỏi ảnh hưởng đến suy tư tình cảm của người đọc. Tôi lặng lẽ tạo cho mình một thói quen mỗi đêm đều từng chút nhấm nháp một vài trang trong Quán cháo trắng của Giới Sân giữa khoảng thời gian bận rộn nhất, u uất nhất, có những thứ đã có thể nhìn qua một lăng kính khác, có những chuyện đã dễ dàng chấp nhận hơn, có những chuyện có thể tha thứ cho bản thân và có những khi bất chợt vỡ lẽ ra một lời giải đáp. Âu cũng là phải gửi lời cảm ơn chân thành đến vị tiểu hòa thượng mang tên Thích Giới Sân ở nơi xa xôi ấy.

Anh Giới Yên thích kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xảy ra trên thành thị, anh nói anh sống ở Thượng Hải, là thành phố rất lớn, lớn hơn Trấn Diểu gấp mười lần, huynh đệ chúng tôi không biết là thật hay giả. Con người thường phản ứng việc mình chưa biết bằng cảm giác mới lạ và nghi ngờ. Lúc đó, các sư đệ đều tập trung lại nghe anh kể, đều cảm thấy rất thích thú.

Tiểu cùng các sư đệ đi qua nơi xa nhất chỉ là vài thị trấn gần bên, nhưng vẫn cảm thấy anh Giới Yên nói hơi quá. Trong các thị trấn gần đây, Trấn Diểu là lớn nhất, ở thị trấn này mà đi hết một vòng, nhanh nhất cũng hết nửa giờ đồng hồ.

Thượng Hải có quá nhiều điều mới lạ, anh nói nếu có dịp sẽ dẫn chúng tôi đi, nhưng rất tiếc sư phụ chưa chắc là đã cho phép.

Anh còn rất thích phong cảnh gần chùa Thiên Minh, nói sơn thủy ở đây đặc biệt khiến người động tâm, không khí trong lành, dù rằng đến mùa hè tháng Sáu, trong núi cũng rất mát mẻ, bầu trời cũng xanh trong.

Lần đó, sư phụ cũng đứng một bên, nói với anh rằng, khi trở lại Thượng Hải nhớ ngẩng đầu lên nhìn, sau đó kể lại xem anh đã nhìn thấy được gì.

Trải qua một thời gian, anh từ Thượng Hải điện thoại kể với chúng tôi, sau khi anh đến Thượng Hai, vâng lời sư phụ dạy, ngẩng đầu lên nhìn, mới phát hiện bầu trời ở đó cũng xanh trong.

Sư phụ bảo: Mỗi người chúng ta thật ra đều đang sống dưới trời xanh, nếu bạn không cảm nhận được, là vì bạn chưa ngẩng đầu lên nhìn, chứ không phải là bầu trời không có màu xanh.

Sách được chuyển ngữ mượt mà, biên tập chỉn chu, bìa đơn giản thanh thoát, giấy nhẹ và xốp.

 

Trinh Nguyễn

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment