Cái cười của Thánh nhân – Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Tên sách: Cái cười của Thánh nhân

Biên soạn: Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Nhà xuất bản Trẻ

~oOo~

Trong những ngày xuân xa cách, mọi thứ đều xoay quanh cuộc sống thường nhật với trăm sự bề bộn của công việc và việc nhà. Nếu như có một thú thanh đạm nhè nhẹ, thư giãn mà không hề nông cạn thì có lẽ đọc những cuốn sách u mặc là lựa chọn hợp lý. U mặc, từ hai âm tiết khiến người ta dễ liên tưởng đến một từ Hán Việt, nhưng không, đó là phiên âm từ tiếng Pháp của từ “humour”. Tiếng cười sảng khoái của nhân loại được học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần biên soạn thành tuyển tập:”Cái cười của Thánh nhân”. Nhìn tên sách đã thấy rất vui rồi!

Cuốn sách được chia làm ba phần: phần đầu giới thiệu dòng văn u mặc với tinh thần của từng truyện, phần thứ hai là từng truyện cười kèm theo bình luận hoặc không, phần thứ ba là Tư tưởng u mặc qua những câu danh ngôn nổi tiếng ở cuối. Tôi đọc phần thứ hai trước, xem nội dung các truyện có gì hay, đọc xong rồi mới quay lại phần một xem văn u mặc thật chất là gì? “Cái cười của Thánh nhân” mà, những người viết có lối suy nghĩ sâu sắc, tinh tế, mỗi truyện lại thể hiện nét tính cách của tác giả về cuộc đời. Không chỉ là trào lộng hay châm biếm sâu cay, văn u mặc vượt lên tất cả những điều đó, có tình thương, có nét giễu cợt nhưng nhẹ nhàng, thấu đáo thay vì châm chích, đả kích thói hư tật xấu.

Trong các bài văn u mặc, có lẽ gây ấn tượng sâu sắc nhất là các truyện của Trang Tử. Tôi thấy cái cười của Trang Tử thâm thúy mà bất ngờ từ truyện “Chim Biển” hay “Khai Khiếu”, hoàn toàn khác với cái cười nhẹ của Đào Tiềm hiểu đời, xuôi theo dòng chảy tự nhiên trong “Quy khứ lai từ”. Tôi cũng thấy nỗi lòng u mặc phẫn uất của Khuất Nguyên rối bời đến mức đi xem bói đối nghịch với u mặc thản nhiên của Lưu Bá Ôn khi biết lẽ cùng thông của Đạo. Một số truyện tế nhị nhưng cũng khiến người ta bật cười ở cái kết như:”Cầu cho bạo chúa sống lâu”, đến mức thượng thừa là “Rửa tai” trong Cao Sĩ Truyện. Cái cười không chỉ là châm biếm xã hội như người đọc vẫn thấy mà là ngọn gió mát trong sự nóng nực của cuộc đời. Bậc Thánh nhân cũng có thân người như ai, dù chỉ ra nếp sống đạo đức chăng nữa, họ vẫn có những tình cảm vui buồn của cuộc sống, hoàn toàn không khăng khăng giữ lấy nhị nguyên hay phải theo một khuôn phép cứng nhắc nào hết. U mặc có sự chống đối nhẹ nhàng đối với các học thuyết xã hội nhưng mang tính chất cười đùa mà không hề hà khắc. Thánh nhân đôi khi tự giễu mình, một giả vờ nửa vời, úp mở để kể chuyện với kết thúc rất hấp dẫn. Lão Tử, Trang Tử đều tự cười nhạo mình, Phật Thích Ca Mâu Ni bảo các vị tỳ kheo theo ngài, chớ tin ta… Họ tạo cái nghi hoặc để đến khi vỡ lẽ ra sự thật sau lớp màn vô minh, những người tương tác với họ sẽ bật cười sảng khoái.

Mỗi ngày đọc một vài truyện, ngẫm lại dư âm của người xưa qua những tiếng cười, tôi cũng nhìn lại cuộc sống của mình. Đôi khi sự giản đơn, dễ thương lại dễ tìm thấy hơn người ta tưởng, bởi lẽ cuộc đời là vậy, nghịch thiên làm gì cho khổ khi không chịu thuận theo tự nhiên cơ chứ?

Vankey

  1. Bìa mới nhìn đẹp quá ạ :) Cách đây tầm 20-25 năm nhà mình từng xuất bản cuốn này rồi anh nhỉ?

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment