Phía Tây Không Có Gì Lạ – Erich Maria Remarque

Tên sách: Phía Tây Không Có Gì Lạ

Tác giả: Erich Maria Remarque

Dịch giả: Vũ Hương Giang

NBX Văn học & Đông A

~ oOo ~

Lưu ý: Bài viết CÓ tiết lộ một phần nội dung cuốn sách.

Cuốn đầu tiên mình đọc của Erich Maria Remarque là Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống. Đây cũng là một trong những tác phẩm nổi bật của ông. Thú thật là mình đọc cuốn Bản Du Ca này hơi chật vật và không có ấn tượng gì lắm. Cho nên mình cũng chưa muốn đọc thêm tác phẩm của Remarque tuy số lượng tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt khá nhiều. Thậm chí khi Phía Tây Không Có Gì Lạ được chuyển thể và phát trên Netflix thì mình cũng chẳng để ý gì luôn. Mãi đến khi biết phim giành được 7 giải thưởng BAFTA, trong đó có hạng mục Phim xuất sắc nhất, thì mình rất muốn đọc cuốn này và để xem mình có thay đổi suy nghĩ về tác phẩm của Remarque hay không.

Ngay từ những dòng đầu tiên của Phía Tây Không Có Gì Lạ thì mình biết là mình không thể dứt nổi. Bản mình đọc do Vũ Hương Giang dịch, Đông A xuất bản. Mình đánh giá đây là một bản dịch tốt, chỉn chu, và đây cũng là lý do mà mình thấy truyện cuốn đến thế. 

Phía Tây Không Có Gì Lạ đặt trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đây được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về thời kỳ này. Mình sẽ không nói nhiều về những gì đã xảy ra trên chiến trường. Bởi vì phải đọc thì mới có thể hình dung được. Thêm nữa, chiến tranh khốc liệt trong cuốn sách này còn đến từ việc những người lính còn quá trẻ. Đây cũng chính là đặc điểm mà mình nhớ nhất, thương nhất trong truyện.

Paul và những người bạn của cậu bước vào cuộc chiến khi mới mười chín tuổi. Họ ra trận vì lời thuyết phục của một vị giáo sư và ôm ấp những mộng tưởng mình sẽ đánh đuổi quân thù, mang lại vinh quang cho đất nước, cho bản thân. Họ tưởng mình ra trận rồi trở về như những vị tướng, những vị anh hùng dũng cảm, kiên cường. Nhưng không, thực tế ở mặt trận vượt quá sức tưởng tượng cũng như sức chịu đựng của họ. Vậy làm cách nào họ chịu đựng được? Tất cả đều là nhờ vào bản năng sinh tồn và may mắn. Họ phải dựa vào đó để vượt qua những cơn mưa đạn, những lần buồn nôn khi thấy thi thể rải rác khắp nơi. Thậm chí họ phải dùng đến mưu kế cùng sự khéo léo để bù đắp cho những bữa ăn thiếu thốn, những lần ngủ không ngon giấc, cũng như những tháng ngày tập luyện gian khổ không kể đâu cho hết. 

Đọc được vài chương Phía Tây Không Có Gì Lạ, mình đã nghĩ rằng có lẽ kết truyện sẽ là chẳng có ai sống sót. Nhưng càng đọc thì mình càng mong Paul và những đồng đội của cậu sẽ có cơ may giữ được mạng sống. Rõ là một hy vọng mong manh và ngây thơ. Nhưng mà mình vẫn ôm hy vọng đó vì nhóm của Paul có vài lần vượt qua được cửa tử. Vả lại khi đọc những tâm sự của Paul, mình thấy xót xa quá. Sau khi cuộc chiến này kết thúc, nhiều người sẽ trở về làng quê của họ và tiếp tục công việc mà họ đã làm trước khi đi lính. Nhưng Paul và bạn bè của cậu thì biết làm gì đây? Họ ra đi khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Sự trưởng thành của họ bắt đầu từ chiến tranh và họ trở về với một tâm hồn già cỗi, một trái tim nặng trĩu. Paul cũng cay đắng nhận ra phía bên kia chiến tuyến, “kẻ thù” của cậu cũng chẳng khác gì. Vinh quang chỉ đến với những kẻ ngồi ở bên trên, những kẻ chỉ đạo, chẳng hề bước ra ngoài mặt trận. Còn những người vác súng ra chiến đấu thì chỉ nhận lấy tấn bi kịch chứ nào có vinh quang gì. 

Đọc đến những dòng cuối cùng, mình mới thật sự hiểu nhan đề tác phẩm. “Phía Tây” chỉ mặt trận phía Tây trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. “Không có gì lạ” nghĩa là chẳng có gì xảy ra cả. Chính vì không có gì xảy ra nên chẳng ai biết ở đó có một anh lính đã ra đi. Ra đi mà không một ai biết đến, chẳng khác nào một người không có danh tính, chưa từng hiện hữu trên cõi đời. Nhan đề này càng khoét sâu vào nỗi đau của người lính – một nỗi đau mà không ai biết đến, không ai quan tâm, không ai thấu hiểu.

Tựu trung lại, Phía Tây Không Có Gì Lạ là một trong những cuốn sách rất hay về chiến tranh mà mình được đọc. Mình đã xem 10 phút đầu phim nhưng cảm thấy nó hơi quá sức chịu đựng nên tạm thời chưa muốn xem nốt. 

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment