Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân

neu-biet-tram-nam-la-huu-han

Tác phẩm: Nếu biết trăm năm là hữu hạn
Tác giả: Phạm Lữ Ân (bút danh của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy)
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn, 2011

~oOo~

“Có nỗi buồn cuốn theo gió bay đâu mất rồi.”

Tôi thầm nhủ mỗi khi cầm cuốn sách lên, mỉm cười hạnh phúc.

Tôi biết đến Phạm Lữ Ân cùng những cuốn sách của họ một cách rất tình cờ, đấy là qua những miếng bánh ngọt ngào của Khai Tâm. Ngồi bên bạn uống trà, nhấm nháp những chiếc bánh nhỏ xinh và đọc sách của Phạm Lữ Ân, ấy là lúc tôi thấy cuộc đời trở nên thư thả đến lạ kỳ.

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” chỉ là một cuốn sách nhỏ giữa muôn vàn cuốn sách khác của họ.

Cuốn sách này kể rất nhiều về tình yêu và nỗi nhớ. Những hoài niệm trăn trở đưa ta về với quá khứ, lắng nghe tiếng thủ thỉ tâm tình. Là những lúc ta nhớ về tuổi thơ, những lúc nhớ nhà, những nỗi niềm yêu man mác. Và trong đó cũng chứa những tâm sự về tình yêu, khát khao và mong chờ.

Đôi lúc tôi nghĩ câu văn của Phạm Lữ Ân cứ trong veo như nước, có lúc lại thoáng như một cơn gió nhẹ. Qua những câu chữ của họ, cuộc sống dường như đặt dưới một lăng kính khác, mọi thứ được suy nghĩ giản đơn hơn, nhưng lại đầy thấu hiểu. Và trong chính những thứ giản đơn như vậy, tôi nhận ra chính mình.

Có thể ai đó sẽ bảo những câu văn của Phạm Lữ Ân toàn là những triết lý, nhưng với tôi nó giống như một bản nhạc nhẹ nhàng mà bạn có thể nghe đi nghe lại không biết chán. Tôi có thể đọc được trong đây những triết lý cũ mình vẫn mang theo bên người suốt bao lâu.

Như rằng, trong cuốn sách này, Phạm Lữ Ân nói bạn chẳng có nơi nào khác để đi, chỉ có Trái đất này mà thôi. “Bởi vũ trụ bao la, nhưng một hành tinh đẹp như Trái đất thì không dễ tìm thấy”. Phải rồi, một đời người dài lắm cũng chỉ có trăm năm, thời gian thì ngắn ngủi, ta có những trăn trở như là làm cách nào để giữ gìn Trái đất trước tốc độ phá hủy như vũ bão hiện nay, người với người đối xử với nhau sao không tràn đầy tin yêu? Tôi biết nhiều bạn bè mình, với những hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực, với những cách truyền tải thông tin cụ thể với tình yêu không toan tính. Tôi nhận ra niềm tin của mình hòa chung với niềm tin của bạn, về thứ gọi là “Tình yêu cứu rỗi Trái đất”. Nó mang theo hy vọng thay đổi của rất nhiều người.

Hay như rằng, Phạm Lữ Ân có nói việc bạn cứ nói buồn chán, thì nỗi buồn sẽ đi theo bạn. Giống như bài thơ Haiku mà họ đọc cho ta nghe trong đó:

Những lỗ trống trong củ sen

Khi ta ăn

Ăn luôn cả nó

Vậy nên tôi luôn hướng mình tới những suy nghĩ tích cực. Bởi những lời tiêu cực ta nói ra, nó sẽ đi theo ta mãi.

Cũng có khi đọc rất nhiều những câu chuyện trong đây, một lần nữa tôi lại nhận ra, ngôn ngữ là thứ cũng đầy phản trắc, ngăn cản ta thấu hiểu lẫn nhau. Ta sẽ không thể hiểu người lạ nếu ta không nói, nhưng rồi một ngày nào đó, ta nhận ra những lời nói với người ta yêu thương xung quanh là không đủ, và rằng nó trở thành những lời cằn nhằn từ khi nào không hay. Để rồi bởi có tin yêu, chúng ta mới thấu hiểu nhau, và lắng nghe nhau bằng trái tim ấm nóng.

Thật tình, những thứ xưa cũ cứ quay về khi đọc từng trang sách.

Gập vào cuốn sách chỉ có 180 trang này, cứ như ta đã rằng đã chạm đến những điều tôi đã bỏ quên, để khiến tôi nhận ra rằng cuộc sống có một cái gì đó rất hoàn hảo trong một khoảnh khắc nhất định, hãy cứ trân trọng từng phút giây ta sống trên Trái đất này.

Nil’chi

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment