Archive for the ‘ Sách nghiên cứu / Tư liệu ’ Category

Ăn gì cho không độc hại? – Pha Lê

Tên sách: Ăn Gì Cho Không Độc Hại

Tác giả: Pha Lê

NXB Trẻ

~ oOo ~

Mình biết đến cuốn Ăn Gì Cho Không Độc Hại qua một review tình cờ đọc trên Goodreads. Điểm làm mình chú ý là người viết review đó khen giọng văn của tác giả Pha Lê. Đọc thêm các review khác, mình thấy hầu như ai cũng khen tác giả hành văn gần gũi, dễ hiểu, hài hước. Ẩm thực, dinh dưỡng, sức khỏe không phải là đề tài quá khô khan, nhưng mà viết sao để người đọc thấy thích thú và thấy ngấm thì không dễ chút nào. Vì tò mò nên mình đã mua cuốn Ăn Gì Cho Không Độc Hại. Cũng phải nói thêm là thấy profile tác giả có ghi nhận bằng thượng cấp Grand Diploma của trường ẩm thực Le Cordon Bleu nên mình nghĩ kiến thức trong sách sẽ đáng tin. Sức khỏe mà, không thể nói bừa hay dịch đại được.

Từ trang đầu tiên của cuốn sách thì mình đã thấy hấp dẫn rồi. Cách viết của chị Pha Lê rất dễ hiểu, mạch lạc, rõ ràng, mà không hề khô khan chút nào. Mình quả thực đã đọc ngấu nghiến cuốn Ăn Gì Cho Không Độc Hại trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Thậm chí mình nghiện đến nỗi còn tìm các bài viết khác trên mạng của chị Pha Lê để đọc thêm.

Continue reading

The little book of transcreation – Louise Humphrey

Tên sách: The little book of transcreation

Tác giả: Louise Humphrey

~ oOo ~

Hồi trước, mình được một người chị giới thiệu “nên đọc” cuốn sách này. Giờ thì mình giới thiệu lại cho các bạn, hy vọng nó sẽ mang đến cho mọi người những khám phá thú vị và có ích giống như nó đã đem lại cho mình vậy.

The little book of transcreation là một cuốn sách mỏng và nhỏ bằng bàn tay. Đọc nhanh thì chưa đến một tiếng là xong rồi. Vì sách nhỏ gọn nên nó lý thuyết không dông dài. Gần 90% nội dung là các ví dụ và mình thấy đây là một điểm rất hay. Đọc nhiều ví dụ thì sẽ nhớ lâu và tự hiểu vấn đề. Hiện tại các bạn có thể đọc online hoặc down ebook.

Transcreation (dịch sáng tạo) là một thuật ngữ không còn xa lạ với những bạn làm trong ngành quảng cáo. Nhưng mà mình nghĩ dù bạn làm công việc khác, ví dụ như dịch sách, phiên dịch, viết lách thì vẫn nên biết đến transcreation. Biết đâu trong lúc chán nản khi phải tìm từ ngữ hoặc cách diễn đạt, The little book of transcreation sẽ truyền cảm hứng và động lực cho bạn đấy.

Continue reading

Từ xác định đến bất định – F. David Peat

65439

Tên sách: Từ xác định đến bất định – Những câu chuyện về khoa học và tư tưởng của thế kỷ 20

Tác giả: F. David Peat

Dịch giả: Phạm Việt Hưng

Khổ sách: 13 x 20,5 cm

Tủ sách: Tri thức mới

Nhà xuất bản Tri Thức

~o0o~

Cá nhân một chút, người viết bài này xuất phát là một dân ban A, tốt nghiệp Bách Khoa chuyên ngành kỹ thuật. Sau hơn chục năm lăn lộn với các môn Toán Lý Hoá và diễn dịch ra hằng hà sa số các môn kỹ thuật và đặc biệt cùng với trào lưu mô hình hoá các hiện tượng trên máy tính, tôi nghĩ các bạn nào cùng cảnh ngộ đều sẽ có cảm giác cuộc sống xung quanh chúng ta đều được chi phối bởi các quy luật và công thức chằng chịt, từ giọt nước rơi bao lâu tới chừng nào thiên thạch rớt xuống trái đất. Đó là một thứ cảm giác chắc chắn về thế giới, rằng chỉ cần chúng ta đủ thông minh, chúng ta sẽ có thể chi phối được mọi sự, hoặc ít ra là thấu hiểu được chúng và để từ đó lập kế hoạch làm việc.

Continue reading

Ca tụng bóng tối – Junichiro Tanizaki

ca-tung-bong-toi

Tên sách: Ca tụng bóng tối 

Tác giả: Junichiro Tanizaki

Dịch giả: KTS. Trịnh Thuỳ Dương

Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh

~oOo~

Có vẻ do dạo gần đây trời nóng, gia đình tôi tập thói quen hạn chế bật đèn quá sớm, có đôi khi còn để cả căn nhà chìm trong bóng tối một chút cho mát mẻ.

Hoặc là do những chuyến đi xuất hành vào ban đêm, tôi ngửa mặt nhìn trời và nhận ra ở thành phố chúng ta thật là có quá nhiều ánh sáng, nhiều tới mức tôi chẳng còn mấy khi thấy được ánh sao đêm.

Lại có khi là do bản thân đã bắt đầu hơi già với những chốn sáng sủa và đầy hơi người.

Dù là gì đi nữa, tôi đã tìm thấy liên hệ với cuốn sách này và bắt đầu bước vào một cuộc hành trình kỳ lạ.
Continue reading

Hà Nội cũ – Doãn Kế Thiện

1448439603_img300

Tên sách: Hà Nội cũ

Tác giả: Đoàn Kế Thiện

Nhà xuất bản Hà Nội và Nhã Nam

~oOo~

Chúng ta đang sống trong một thời đại về công nghệ thông tin, các thành thị phát triển cùng với những tòa nhà cao tầng và giao thông lập thể. Thật khó có thể hình dung ngày xưa các cụ sống ra sao, thiếu những vật dụng hiện đại thế nào. Ở Hà Nội nói riêng, nhắc đến Hà Nội cũ đa phần người ta sẽ nhớ tới sự hào hoa của Hà Nội đầu thế kỷ XX với những công trình do Pháp xây dựng. Thế nhưng, chỉ cần lùi thời gian lại thêm một chút, chúng ta sẽ có thêm những hình dung khác về nếp sống người xưa tại ngay Hà Nội thời nhà Nguyễn thông qua một cuốn sách rất xinh xắn: Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện.

Continue reading

Gái công xưởng – Leslie T. Chang

a9c5c18a99b717c6060961177b419b7aedited

.

Tựa sách: Gái công xưởng – Factory Girls: From Village to City in a Changing China

Tác giả: Leslie T. Chang

Dịch giả: Lục Hương

Nxb Hội Nhà Văn & Công ty Nhã Nam 2011

.

~oOo~

.

Cuối cùng thì, xuyên qua thời gian và các tầng lớp giai cấp, đây là câu chuyện của Trung Quốc: rời nhà ra đi, chịu đựng khổ cực, và tạo dựng một cuộc đời mới. (…) Thành công hay không, sự di trú vẫn thay đổi số mệnh.”

  • trích chương 15 “Sức khoẻ hoàn hảo”

Continue reading

Thuật xử thế của người xưa – Thu Giang Nguyễn Duy Cần

NXBTreStoryFull_06312012_033143

Tên sách: Thuật xử thế của người xưa
Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần
NXB Trẻ

~oOo~

Đối với tôi hiện tại, đây là một cuốn sách với lời văn lôi cuốn và những ví dụ thú vị đầy thâm thúy. Khác với những sách kỹ năng sống thời nay, cụ Duy Cần đã không đưa ra cho người đọc một phương pháp có tính cách phương tiện nào để đối nhân xử thế hòng đạt được mục đích cho bản thân mình. Bởi lẽ cuốn sách có tên là “thuật xử thế” chứ không phải là “cách xử thế”. Không phải là cách để đắc nhân tâm hay cách nói để người nghe lọt tai hay cách tặng quà ra sao để khiến người khác ưa thích mình. Thông qua những ví dụ nổi tiếng khắp đông tây kim cổ, cụ chỉ rõ cái cốt lõi của thuật xử thế đầy thâm thúy mà người xưa đã vận dụng, gợi mở cho người đọc chú ý tới cái tâm sự muôn đời của loài người về cái tôi và lòng tự ái.

Continue reading

Kim Cương, gươm báu cắt đứt phiền não – Thích Nhất Hạnh

Tựa sách: Kim Cương – Gươm báu cắt đứt phiền não

Biên soạn: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Nhà xuất bản Thời đại

~oOo~

Thầy Tu Bồ Đề nói: “Bạch Thế Tôn, chúng con rất mong được nghe Người chỉ dạy.”
Bụt bảo Tu Bồ Đề: “Các bậc Bồ Tát đại nhân nên hàng phục tâm mình như sau: Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta đều phải đưa tất cả các loài ấy vào Niết Bàn tuyệt đối để tất cả đều được giải thoát. Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sanh như thế, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát. Vì sao? Này Tu Bồ Đề, nếu một vị Bồ Tát mà còn có khái niệm về Ngã, về Nhân, về Chúng Sanh và về Thọ Giả thì vị ấy chưa phải là một vị Bồ Tát đích thực. 

Này nữa, thầy Tu Bồ Đề, vị Bồ Tát thực hiện phép bố thí nhưng không dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc để bố thí, cũng không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố thí. Tu Bồ Đề, Bồ Tát nên bố thí theo tinh thần ấy, không dựa vào tướng. Tại sao? Nếu Bồ Tát bố thí mà không dựa vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn.

Kim Cương – Gươm báu cắt đứt phiền não- Phần Một – Kinh văn – trang 7

Đây là những dòng trích từ trong cuốn sách mà tôi đang đọc mỗi ngày, tôi vẫn gọi ngắn gọn đó là kinh Năng Đoạn Kim Cương do thiền sư Thích Nhất Hạnh biên soạn và chú giải. Sách được chia làm hai phần rõ ràng, bao gồm phần Một – Kinh văn và phần Hai – Chú giải. Có thể nói, đây là cuốn sách thích hợp cho những người theo thiền tập và áp dụng trong cuộc sống. Trong khi phần kinh văn không hề dễ hiểu và chứa đựng nhiều điều tưởng chừng trái ngược thì phần chú giải lại vô cùng rõ ràng, giúp cho người đọc hiểu hơn về thiền tập.
Continue reading

Shadowscapes Companion – Stephanie Pui-Mun Law & Barbara Moore

Tựa sách: Shadowscapes Companion

Tác giả: Stephanie Pui-Mun LawBarbara Moore

NXB Llewellyn Publications

~oOo~

Đọc cuốn sách này xong cách đây khá lâu, ấn tượng để lại cũng tốt thế nhưng tôi cứ trù trừ mãi mới thử ghi lại một chút cảm nhận về nó. Shadowscapes Companion là một cuốn sách giới thiệu về bài Tarot và cách bói bài đơn giản,  bán kèm với một bộ bài Tarot. Sách được trình bày dưới dạng sách tranh nên khá ngắn gọn, dễ đọc, hình vẽ đẹp và cuốn hút.

Trước tiên cũng nên nói qua về bộ bài Tarot một chút để dễ hình dung. Bộ bài Tarot thông thường có hai mươi hai quân bài chính, được gọi là Arcana và bốn phần phụ, lần lượt là Wands – Đũa thần, Pentacles – Biểu tượng, Cups – Ly và Swords – Gươm. Bài Tarot tập trung ý nghĩa ở các quân bài Arcana, mỗi quân bài này lại có một ý nghĩa riêng, mang một hình tượng riêng, tượng trưng cho những tính chất, những giai đoạn của con người. Tên các quân bài này là: Kẻ ngốc, Pháp sư, Thần nữ, Đế hậu, Đế quân, Đại tư tế, Tình nhân, Chiến xa, Sức mạnh, Ẩn sĩ, Bánh xe số phận, Công lý, Kẻ treo mình, Tử thần, Ôn hòa, Ma vương, Tòa tháp, Sao, Mặt trăng, Mặt trời, Phán Quyết và Thế giới. Để xem bài, người muốn xem và người xem truyền năng lượng vào từng lá bài này.

Continue reading

Nam hải dị nhân liệt truyện – Phan Kế Bính

Tựa sách: Nam hải dị nhân liệt truyện

Tác giả: Phan Kế Bính

Hiệu đính: Lê Văn Phúc

Nhà xuất bản trẻ và Nhà xuất bản Hồng Bàng tái bản năm 2011

~oOo~

Sách này có dự vào chương trình học thi tú tài

(Kim giang Lê Văn Phúc hiệu đính Décembre 1916)

Mấy chữ trên trong lời giới thiệu đầu sách làm người viết giật mình. Đã có thể được gọi là một “cậu tú” nhưng bản thân chỉ biết được lõm bõm một vài câu chuyện trong đấy, quả thực thấy thẹn với lời của cụ Phan Kế Bính:

Vả chăng mình là người nước Nam, mà sự tích các bậc danh giá trong nước Nam mình không biết, chẳng hóa ra kiến thức của mình còn kém lắm dư?

Là một trong những nhà Nho đầu tiên có công dùng chữ quốc ngữ để nghiên cứu, dịch thuật, cụ Phan đã phần nào cho ta thấy diện mạo của những con chữ đầu thế kỉ XX với vẻ đẹp nguyên sơ của tiếng nói dân tộc dưới một lớp vỏ mới. Ngôn từ của tập sách (không tính phần kê cứu chép thêm của Lê Văn Phúc) chậm rãi, tuần tự như một lời kể giữa khuya với câu chữ gãy gọn, súc tích, cuốn độc giả đi vào một cuộc triễn lãm những bức phù điêu linh dị và bất tử. Để đạt được hiệu ứng đó, bên cạnh văn chương cứng cỏi, “Nam hải dị nhân liệt truyện” còn được đẽo gọt thành một cấu trúc chặt chẽ, khoa học và rất dễ theo dõi.
Continue reading