Hạt cơ bản -Michel Houellebecq

hat-co-ban

Tựa sách: Hạt cơ bản
Tác giả: Michel Houellebecq
Dịch giả : Cao Việt Dũng
NXB Đà Nẵng và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây cùng Nhà sách Kiến Thức phát hành năm 2006

~oOo~

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cuốn sách đầu tiên khiến tôi phải đặt bút viết về nó lại không nằm trong tủ sách của mình. Cuốn sách đầu tiên này, nó nằm trong hàng ngàn đầu sách ở thư viện thành phố, mà trong một sát na hội đủ nhân duyên, tôi đã tìm thấy được. Những thứ từ cuốn sách còn đọng lại, giờ đây đã dư sức phá tan sự lười biếng cố hữu, khiến tôi phải cầm bút, viết một cái gì về nó.

Tôi không biết gì nhiều về vật lý, vật lý lượng tử hay những thứ đại loại như vậy. Nhưng tôi biết, cuốn sách này gói ghém một sự bùng nổ, và thậm chí là hơn cả thế. Giữa những trang sách, tôi nhìn thấy các đống hoang tàn, hết đống này đến đống khác. Con người đã tạo ra nó. Michel Djerzínki, Bruno, Chiristiane, Annabelle và các nhân vật khác, mỗi người là một hạt cơ bản, tổ hợp tạo nên thế giới. Một thế giới không như ý định của họ, một thế giới vượt quá tầm kiểm soát của họ – những con người. Xã hội phương Tây trong Hạt cơ bản mệt mỏi trong chính tiến trình phát triển của bản thân nó. Quan hệ con người với con người bị xé toạc thành các rãnh nứt sâu hoắm. Những người bố, những người mẹ và con cái của họ nhìn thấy những rãnh nứt đó, càng ngày càng rộng, nhưng không sao vượt qua được, và không thể tìm ra cách để vượt qua. Sự đảo lộn các giá trị sống, các đức tin; cơn cuồng loạn của chủ nghĩa tiêu dùng, các phong trào giải phóng tình dục, cơn ác mộng của sự giải phóng cá nhân, các giá trị tự do… Một sự hỗn loạn đến cùng tận. Loài người tạo nên một vụ nổ nguyên tử lớn, bằng bản thân họ. Loài người làm nên một thế giới, ở đó, nó chuẩn bị sẵn sự hủy diệt nằm trong chính tương lai của mỗi người.

Nếu như ai đã đọc rồi cuốn tiểu thuyết này, sẽ thấy nó như là một cú shock lớn đối với bản thân mình. Tôi đã gấp vội cuốn sách lại nhiều lần trong quá trình đọc. Hạt cơ bản làm tôi xa lạ với chính bản tôi, với chính con người và xã hội con người. Không biết bao lần tôi tự hỏi bản chất của con người là gì vậy, rồi cuốn sách đã làm cho tôi thôi không hỏi câu đấy nữa. Tôi chấp nhận từ bỏ. Quá trình từ bỏ câu hỏi ấy, thật không dễ dàng chút nào.

Những nhân vật của câu chuyện xoay mòng mòng trong tâm trí của người đọc. Mỗi nhân vật tìm cách giao tiếp với nhau, và cố cởi sợi dây trói bản thân mình dầu chẳng biết vị trí sợi dây ấy ở chỗ nào. Sống là nỗi sợ hãi lớn nhất của họ. Michel là nỗi cô đơn phải mà không phải của loài người, anh sống lành mạnh đến mức sự lành mạnh đó từng ngày rồi từng ngày bào mòn anh. Anh cũng là nhân vật làm tôi đau đớn nhất, cùng với nhân vật Janine, mẹ của anh và Bruno, bị ám ảnh bởi sự phù phiếm và nỗi sợ hãi chất nhựa sống mỗi ngày một rời bỏ bà. Một trích đoạn về Michel đã làm tôi bật khóc:

Cũng buổi tối đó anh tìm lại một bức ảnh, chụp ở trường tiểu học ở Charny. Và anh bật khóc. Ngồi ở bàn học, đứa bé cầm trên tay một quyển sách giáo khoa đang mở. Nó tươi cười nhìn chăm chăm vào người xem, vẻ rất vui sướng và dũng cảm. Thật không thể tin nổi đứa trẻ này lại là anh. Ðứa trẻ làm bài tập, học bài với một sự nghiêm túc đầy tự tin. Rồi nó bước vào đời, khám phá thế giới, và thế giới không làm nó sợ. Tất cả những cái đó người ta có thể đọc thấy trong cái nhìn của đứa trẻ. Nó mặc một chiếc áo khoác có cái cổ nhỏ.

Trong suốt nhiều ngày Michel để bức ảnh trong tầm tay với, dựa vào cái đèn ngủ. Thời gian là một bí ẩn tầm thường, và tất cả đều nằm trong trật tự, anh cố tự nhủ như thế; cái nhìn tắt ngấm, niềm vui và sự tự tin biến mất. Duỗi dài trên tấm nệm Bultex, anh cố tập cho quen với đổi thay này mà không nổi. Trán của đứa trẻ có một vết lõm nhỏ – vết sẹo do bệnh thủy đậu để lại. Vết sẹo này đã đi qua năm tháng. Sự thật nằm ở đâu? Cái nóng giữa trưa lan tỏa trong căn phòng.

Con người lăng trì nhau trong sự vô ý thức. Đó là luật của tồn tại và ta chẳng thể nào làm khác đi được. Cuộc đời giam giữ chúng ta, vì thế sẽ chẳng có sự giải phóng nào là thật sự cả. Những nỗi đau làm thành con người, và theo cách nào đó, chúng ta hoàn thiện, dù cho đã trống rỗng ở bên trong. Hơn tất cả, tồn tại là chấp nhận: Chấp nhận có mặt ở đây, chấp nhận tồn tại, chấp nhận chết; mặc cho, chấp nhận là nỗi đau lớn nhất, của con người.

                                                                                                     Trần Hạnh Đoan

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment