Của Chuột Và Người – John Steinbeck

Tên sách: Của Chuột Và Người (Of Mice and Men)

Tác giả: John Steinbeck 

Dịch giả: Phạm Văn 

NXB Hội Nhà Văn & Tao Đàn 

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung truyện, đặc biệt là đoạn kết.

~ oOo ~ 

Của Chuột Và Người là một cuốn sách mỏng, chưa đến 200 trang. Tập trung đọc thì nửa buổi sáng hoặc chiều là xong. Lần này mình chọn bản dịch của Tao Đàn, đọc rất ổn. Nếu bạn nào thích đọc truyện sử dụng phương ngữ miền Nam thì chắc là sẽ thích bản dịch này. Còn một bản dịch khác của Nhã Nam thì mình chưa đọc. 

Của Chuột Và Người là một trong những tác phẩm nổi tiếng của John Steinbeck và là cuốn sách đầu tiên của ông mà mình đọc. Nhân vật chính của câu chuyện là George Milton và Lennie Small. Hai người này đối lập ở mọi thứ: ngoại hình, tính cách, trí thông minh. George là một kẻ nhỏ thó, thận trọng, cẩn thận, làm việc gì cũng có tính toán. Ngược lại, Lennie là một đứa trẻ to xác, ngây ngô, ngớ ngẩn, hay gây ra tai họa. 

Truyện đặt trong bối cảnh thời kỳ Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930 tại Mỹ. Câu chuyện bắt đầu bằng việc George và Lennie trên đường đến trang trại lúa mì. George liên tục dặn Lennie phải hết sức cẩn thận, không được để xảy ra chuyện bất trắc giống như vụ việc hai người gặp phải ở trang trại cũ. Tuy nhiên, cho dù George dặn Lennie rất nhiều lần và phần nào tiên đoán được chuyện xấu sẽ xảy ra, cuối cùng anh ta cũng không thể ngăn chặn được. 

Mình nghĩ là không cần phải sống trong thời kỳ Đại suy thoái thì chúng ta mới hiểu “vỡ mộng” là như thế nào. Ước mơ có một mảnh đất riêng, tự cung tự cấp, muốn làm việc thì làm, không muốn thì nghỉ ngơi đi xem xiếc, xem bóng chày mà không cần xin phép ai cả, rõ ràng đây là ước mơ của bất kỳ ai. Cùng với đó, sự sợ hãi bị đào thải khỏi xã hội vì tuổi già, vì bệnh tật, vì không còn khả năng khả lao động, cũng chính là nỗi lo sợ mà hầu như ai cũng có thể đồng cảm được. Tuy nhiên, ước mơ, khả năng theo đuổi ước mơ và vỡ mộng không phải là điều mà mình quan tâm trong câu chuyện này. Thay vào đó, mình để ý đến cách hành xử của Lennie hơn. 

Như mình đã viết ở trên, Lennie là một đứa trẻ to xác, ngờ nghệch, hậu đậu, sống theo bản năng. Cậu ta thích vuốt ve những thứ mềm mại nhưng luôn chẳng may làm hại đến chúng. Nhẹ thì làm chết con chuột, con chó. Nặng thì giết người. Thật sự là Lennie không hề có ý xấu nên không thể gọi đó là “cái ác”. Chỉ vì bản tính của cậu ta nên gây ra những hành động vô ý như vậy. Tuy nhiên, rõ ràng là việc làm vô ý của Lennie đã làm khổ cả cậu lẫn những người xung quanh. Không rõ liệu đây có phải là một trong những lý do John Steinbeck đặt tên truyện là Của Chuột Và Người hay không. Vì theo như mình tìm hiểu, nhan đề được John Steinbeck lấy từ một câu trong bài thơ To A Mouse của nhà thơ người Scotland Robert Burns. Robert Burns sáng tác bài thơ này khi ông đang cày đồng và vô tình phá hủy cái tổ trú đông của một con chuột.

Là người ngoài, mình thấy Lennie đáng thương, không nỡ trách móc hành động của cậu và chắc chắn không thể dung túng được. Trái lại, nếu mình là George, mình sẽ thấy phiền và lúc nào cũng trong trạng thái phấp phỏng không yên khi ở cạnh một người như thế. Còn hành động kết liễu Lennie của George thì sao nhỉ? Ừ thì lúc điên tiết, chúng ta thường khó kiểm soát bản thân và dễ gây ra tội ác. Nhưng mình nghĩ hành động của George không chỉ đơn thuần là sức chịu đựng đi quá giới hạn. Nếu anh ta cảm thấy không thể chịu nổi nữa thì cứ để mặc mọi người đi lùng bắt Lennie rồi hành hạ cậu ta thế nào cũng được. Đằng này, George lựa chọn tự tay kết thúc mạng sống của Lennie. 

Tuy biết Lennie hay vô tình gây họa, George vẫn ở bên cậu. Vì đó là thói quen. Vì ở bên Lennie, George vẫn tìm thấy giá trị của bản thân. Vì nhờ có Lennie, George vẫn giữ được niềm tin vào ước mơ có một mảnh đất riêng. Cũng giống như ông già Candy vậy. Rõ ràng ông biết con chó già của mình chỉ mang lại phiền toái, nhưng ông không thể bỏ mặc nó, vì ông nuôi nó từ nhỏ và nó là bạn đồng hành của ông. Có điều, cuộc sống oái oăm lắm. Candy quý mến con chó đến mấy thì ông vẫn phải để người ta giết nó. George cũng giống như vậy thôi. Làm gì còn lựa chọn khác nào cơ chứ. Chỉ khác một điều, đích thân George sẽ tự tay làm việc đó. Tuy nó thật khủng khiếp, song chí ít nó sẽ kết thúc nhanh gọn và “ít” gây đau đớn cho Lennie. 

Tựu trung lại, Của Chuột Và Người là một cuốn sách dễ đọc và mình đoán kết thúc sẽ gây shock, gây ám ảnh cho đa số độc giả. 

PS: Thật ra mình thấy sự đối lập của George và Lennie khá hài hước. Tưởng tượng nếu đây là bộ đôi trong phim hoạt hình, cùng với cái tính hậu đậu và ngớ ngẩn của Lennie, thì sẽ gây ra vô số tình huống dở khóc dở cười.

  1. Bản dịch của Nhã Nam là bản dịch của 2 dịch giả Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập vào năm 1967, cũng là bản dịch theo văn phong miền Nam đó bạn. Bản dịch Tao Đàn là bản mới 2018 dịch lại hoàn toàn.

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment