Người Mắt Kép – Ngô Minh Ích

Tên sách: Người Mắt Kép

Tác giả: Ngô Minh Ích

Dịch giả: Nguyễn Phúc An

NXB Hội Nhà Văn & Phanbook

~ oOo ~

Người Mắt Kép chắc chắn là một trong những cuốn sách hay nhất mình đọc được trong năm 2023 và nó cũng là một trong những trải nghiệm đọc đáng nhớ của mình từ trước đến nay. 

Nói qua một chút về tác giả. Ngô Minh Ích sinh năm 1971, người Đài Loan. Profile của anh rất xịn: giáo sư giảng dạy văn học, nhà văn, blogger, nhà hoạt động môi trường, biết vẽ tranh, chụp ảnh, thích đi du lịch, tìm hiểu về các loài bướm. Một người có hiểu biết và cuộc sống phong phú như thế, bảo sao truyện của anh hay đến như vậy. 

Năm 2006, Ngô Minh Ích nghỉ dạy học để dành thời gian vừa đi du lịch vừa viết sách. Năm 2011, anh phát hành cuốn Người Mắt Kép. Nội dung kể về cuộc gặp gỡ giữa Atile’i – một cư dân của đảo Wayo Wayo và nhà văn Alice. Cuộc gặp của họ đến từ một vực xoáy rác va vào huyện Haven ở Đài Loan. Từ đó bí ẩn về cái chết của chồng và con trai Alice cũng được hé mở. Thú thật là khi mới đọc vài dòng giới thiệu, mình không có hứng thú lắm với cuốn sách này, mà càng đọc càng thấy cuốn. Dưới đây mình sẽ liệt kê một vài lý do:

Người Mắt Kép kể rất nhiều về cuộc sống của các bộ lạc như người Ami, người Bunun, người dân đảo Wayo Wayo. Mình thích đọc những chương nói về cuộc sống của mấy bộ lạc này lắm. Cảm thấy được sống ở một cộng đồng khác hoàn toàn với người thành thị. Mà Ngô Minh Ích viết cũng hay nữa. Đọc mà thấy cả một bầu không khí hào hùng, bi tráng, thần bí, như thể đang bước vào những câu chuyện huyền thoại sống động. 

– Bản dịch chất lượng. 

– Cuốn này thuộc thể loại “climate fiction”, nói về biến đổi khí hậu. Đây cũng là một lý do ban đầu mình không hào hứng lắm với Người Mắt Kép (ôi trời, tôi thật là trông mặt mà bắt hình dong mà). Nhưng mà đọc sách rồi thì mới thấy Ngô Minh Ích không nói những lời giáo điều về biến đổi khí hậu. Ngược lại, cách viết của anh rất tinh tế và khai thác góc nhìn đa dạng. Đây cũng là lần đầu tiên mình được đọc sách thuộc thể loại cli-fi, rất ấn tượng. Ngoài ra, Người Mắt Kép cũng lồng thêm yếu tố hiện thực kỳ ảo. 

Người Mắt Kép thiên về trần thuật. Bạn nào thích đọc hoặc muốn viết truyện tập trung vào trần thuật, hạn chế hội thoại thì có thể tham khảo cuốn này. 

Người Mắt Kép cũng lồng ghép nhiều thông điệp như tình yêu, tình cảm gia đình, nỗi đau mất người thân, tín ngưỡng văn hóa dần bị mai một, v.v… Cho nên truyện có chiều sâu và cũng có một số vấn đề không phải đọc xong là hiểu được ngay. 

– Ngô Minh Ích viết rất hay, lôi cuốn, sức tưởng tượng mạnh. Rất đáng đọc. 

Trên trang web của Phanbook có cho đọc thử mấy chục trang Người Mắt Kép. Mọi người có thể đọc qua rồi quyết định mua sách nhé. 

Đoạn dưới đây mình chia sẻ về yếu tố cli-fi trong cuốn Người Mắt Kép. Mình thấy nhiều người hay tập trung vào vực xoáy rác khi nhắc đến biến đổi khí hậu trong cuốn sách này. Với mình thì vực xoáy rác chỉ là “một phần” chứ không phải là “phần chính” hay “tất cả”. Nếu để liệt kê những chi tiết liên quan đến biến đổi khí hậu thì có rất nhiều: sự trừng phạt của thần Kabang lên đảo Wayo Wayo, sự kiện xảy ra với đảo Wayo Wayo ở cuối truyện, nạn săn bắt hải cẩu (mình rất xót xa khi đọc đoạn này), công trình đường hầm xuyên núi, con người khai thác trái phép và bất chấp sự tàn phá thiên nhiên, tục lệ săn cá voi của người Na Uy, v.v… 

Điều đặc biệt mà mình thích ở yếu tố cli-fi, đó là sự khác biệt trong cách đối xử với thiên nhiên giữa người thuộc các bộ lạc và người hiện đại sống ở đô thị. Người Wayo Wayo, người Bunun hay người Ami đều có những vị thần của họ như thần núi, thần biển. Họ rất tôn thờ những vị thần này, cũng như thể hiện lòng thành kính đến thiên nhiên. Họ thật sự coi thiên nhiên là Mẹ. Cuộc sống của họ tuy có phần nào đó nguyên thủy, gắn liền với các hoạt động truyền thống như đi săn, đánh cá, song có thể thấy họ luôn biết “vừa đủ” và biết ơn những gì thiên nhiên ban tặng. Họ cũng ý thức rõ ràng những cành cây, những con sóng cũng có thể trừng phạt họ nếu họ làm điều sai trái với thiên nhiên. 

Còn người hiện đại sống ở đô thị thì không như vậy. Họ xem thiên nhiên là của chùa và trục lợi để làm giàu bất chính. Họ không hề biết ơn thiên nhiên và cũng chẳng nghĩ gì cho nhân loại cũng như thế hệ mai sau. Về mặt này thì họ còn kém hơn cả người của những bộ lạc kia nữa. Phải chăng chỉ khi nào chúng ta sống như những bộ lạc kia, quay trở lại cuộc sống nguyên thủy thì mới biết trân trọng Mẹ Thiên Nhiên? 

Mình chợt nhớ đến một ý trong cuốn Ăn Gì Cho Không Độc Hại của chị Pha Lê: thiên nhiên vốn không có rác. Bởi vì chất thải của con này rồi cũng cung cấp thức ăn cho con kia (gà ăn ấu trùng trong phân bò) hoặc là bồi đắp vào đất để cây cối khỏe mạnh. Nếu có rác thì đó chỉ là của con người mà thôi. Nghe buồn nhỉ! Sống hiện đại quá rồi cuối cùng quay sang tàn phá thiên nhiên và làm hỏng mắt xích tự nhiên. Biết là rồi cuối cùng con người cũng gánh chịu hậu quả. Nhưng trước khi điều “cuối cùng” đó xảy ra thì cũng có những người không-liên-quan, những con vật, những cánh rừng, những ngọn núi, những đại dương tự dưng bị vạ lây rồi. 

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment