Ăn gì cho không độc hại? – Pha Lê

Tên sách: Ăn Gì Cho Không Độc Hại

Tác giả: Pha Lê

NXB Trẻ

~ oOo ~

Mình biết đến cuốn Ăn Gì Cho Không Độc Hại qua một review tình cờ đọc trên Goodreads. Điểm làm mình chú ý là người viết review đó khen giọng văn của tác giả Pha Lê. Đọc thêm các review khác, mình thấy hầu như ai cũng khen tác giả hành văn gần gũi, dễ hiểu, hài hước. Ẩm thực, dinh dưỡng, sức khỏe không phải là đề tài quá khô khan, nhưng mà viết sao để người đọc thấy thích thú và thấy ngấm thì không dễ chút nào. Vì tò mò nên mình đã mua cuốn Ăn Gì Cho Không Độc Hại. Cũng phải nói thêm là thấy profile tác giả có ghi nhận bằng thượng cấp Grand Diploma của trường ẩm thực Le Cordon Bleu nên mình nghĩ kiến thức trong sách sẽ đáng tin. Sức khỏe mà, không thể nói bừa hay dịch đại được.

Từ trang đầu tiên của cuốn sách thì mình đã thấy hấp dẫn rồi. Cách viết của chị Pha Lê rất dễ hiểu, mạch lạc, rõ ràng, mà không hề khô khan chút nào. Mình quả thực đã đọc ngấu nghiến cuốn Ăn Gì Cho Không Độc Hại trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Thậm chí mình nghiện đến nỗi còn tìm các bài viết khác trên mạng của chị Pha Lê để đọc thêm.

Mình thấy là có một số ít bài viết trên mạng được chị đưa vào sách nhưng có viết lại cho phù hợp hơn và bổ sung thêm thông tin. Đối với mình thì đây là một điểm cộng. Phải nói thật là mình khá khó chịu khi mua một cuốn sách mà đa số nội dung trong đó đều có ở trang của tác giả. Cảm giác giá trị của cuốn sách bị giảm đi kha khá í. Cho nên mình vẫn đánh giá cao việc tác giả làm mới lại nội dung, cả cách viết, cách trình bày, cách triển khai, để đem lại trải nghiệm mới cho độc giả.

Khối lượng kiến thức trong cuốn sách này cũng nhiều. Về cơ bản là đọc xong rồi thì lâu lâu cũng nên mang sách ra ôn lại. Được cái là kiến thức trong sách không khô khan. Thứ nhất là nhờ vào cách viết có duyên của chị Pha Lê. Thứ hai là kiến thức được viết có hệ thống xuyên suốt lịch sử và kể nhiều câu chuyện có thật để làm dẫn chứng thuyết phục nhất. Cuối sách còn ghi rõ ràng tài liệu dẫn chứng nữa.

Nhìn chung, luận điểm lớn nhất của cuốn sách này là: (1) con người là loài ăn tạp, (2) muốn biết thực phẩm mình ăn có lợi hay không thì phải truy về cái gốc, đó là con vật đó ăn gì, chúng (bao gồm cả động vật và thực vật) được nuôi trồng ra sao và chế biến như thế nào. Nhìn chung là không dính đến hóa chất công nghiệp và nuôi trồng thuận theo tự nhiên thì chẳng sao cả. Các dẫn chứng trong sách đều củng cố hai luận điểm này. Sau khi đọc thì mình cũng hiểu vì sao người huyết áp cao thường được khuyên là không ăn trứng và thịt đỏ (nuôi theo kiểu công nghiệp), vì sao chúng ta bị sâu răng và bổ sung gì để tránh sâu, ăn chay đúng cách là như thế nào,…

Hồi trước mình từng nghĩ đúng là chỉ những người giàu, người có nhiều tiền mới được sống ở nơi trồng nhiều cây xanh và mua đồ ăn không-chứa-hóa-chất-công-nghiệp. Trong khi rõ ràng đáng lẽ ra ai cũng phải được hưởng những điều đó. Nhưng mà biết làm sao được khi dân số cứ ngày càng phình to, thiên nhiên thì có hạn, chỉ đủ cung cấp cho một số lượng người nhất định. Vậy thì ai có nhiều tiền thì người đó được hưởng “đặc quyền” thôi. Cay đắng nhỉ.

Nhưng mà như chị Pha Lê viết ở cuối sách Ăn Gì Cho Không Độc Hại, ăn uống cũng cần vui. Nếu lúc nào cũng quay cuồng tìm nguồn cung xanh sạch, phải kiểm tra từng li từng tí một, phải cải tạo căn bếp, vậy thì mình sẽ chết ốm vì lo nghĩ mất. Thôi thì làm được đến đâu thì làm, khắc phục được chừng nào hay chừng đó. Ăn uống cũng phải kết hợp tập luyện, sinh hoạt, cân bằng cuộc sống, chăm sóc sức khỏe tinh thần thì mới khỏe mạnh toàn diện được. Nhỉ?! À, ít ra là sau khi đọc xong hai cuốn sách của chị Pha Lê thì mình cũng được củng cố kiến thức nền để không bị lung lay trước bão tin giả, vô vàn chế độ ăn uống và những ngộ nhận về ẩm thực. Đây là sự thay đổi mà không phải cuốn sách nào cũng mang lại được.

Review sơ qua cuốn Tẩy Độc Bếp:

Sau khi đọc xong Ăn Gì Cho Không Độc Hại thì mình đã mua luôn cuốn Tẩy Độc Bếp. Cuốn Tẩy Độc Bếp sẽ kén người đọc hơn một chút vì nó tập trung viết về các loại dụng cụ trong bếp (nồi, dao) và gia vị. Cuốn này giống như một cuốn bách khoa toàn thư mini về căn bếp vậy. Phần gia vị thì mình còn thấy nhiều thứ hay ho, chứ các loại dụng cụ thì không mê lắm. Chắc là lúc nào định sắm nồi và dao thì sẽ đọc lại. Bạn nào đam mê bếp và/hoặc có ý định trở thành đầu bếp thì chắc là sẽ thích cuốn Tẩy Độc Bếp hơn độc giả khác. Nhưng mà không có nghĩa là Tẩy Độc Bếp chán đâu nhé. Mình vẫn nạp được một mớ kiến thức trong cuốn này giống như Ăn Gì Cho Không Độc Hại vậy.

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment