Trại súc vật – George Orwell

.

Tựa sách : Trại súc vật – Animal farm

Tác giả : George Orwell

.

Đối với một số bạn đọc Việt Nam cái tên George Orwell có lẽ khá xa lạ vì sau 1975 hình như không có cuốn nào của tác giả này được xuất bản, tuy nhiên với một lượng người đọc khác, đây là một cái tên cực kì quen thuộc và nổi tiếng, đặc biệt là với các kiệt tác 1984 hay Trại súc vật,v.v… Ở đây tôi sẽ chỉ nói tới Trại súc vật (Animal Farm).

Trại súc vật là một tác phẩm hầu như luôn có tên trong nhiều bảng xếp hạng sách từ các trang uy tín trên thế giới, thật ra đó là một cuốn sách nhỏ, tôi đọc nó chỉ trong vòng vài giờ.

Câu chuyện bắt đầu ở Điền Trang của ông Jones, một ngày kia con lợn già mang tên Thủ Lĩnh quyết định kể cho mọi loài vật có mặt trong trang trại về một giấc mơ của nó. Giấc mơ ấy kể về một thế giới không có loài người, nơi đó chỉ có các loài gia súc, gia cầm cùng nhau chăm chỉ làm việc và hưởng thụ thành quả lao động của mình trong một sự bình đẳng tuyệt đối. Sau khi con lợn này chết đi, lũ lợn còn lại (được xem là giống loài thông minh) đã cùng các loài thú khác như ngựa Chiến sĩ, ngựa Bà Mập, con dê Muriel, lũ chó, mèo, … soạn ra cương lĩnh họat động, tiến đến khởi nghĩa “vũ trang”, sử dụng bạo lực cách mạng lật đổ ách thống trị của ông chủ. Thời cơ đến, khởi nghĩa thắng lợi vang dội, ông Jones cùng những người làm công bị đánh đuổi khỏi trang trại. Từ đây, những con vật dưới sự dẫn đường của lũ lợn bắt đầu thời kì tự do với Bảy điều răn được dùng làm cương lĩnh họat động :

.

BẢY ĐIỀU RĂN

1.     Tất cả các loài hai chân đều là kẻ thù.

2.     Tất cả các loài bốn chân hoặc có cánh đều là bạn.

3.     Không con vật nào được mặc quần áo.

4.     Không con vật nào được ngủ trên giường.

5.     Không con vật nào được uống rượu.

6.     Loài vật không được giết hại lẫn nhau.

7.     Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng.


.

Với một tư tưởng tiến bộ như vậy, Điền Trang được đổi tên thành Trại súc vật (Animal farm), mọi loài vật đều ra sức làm việc gấp bội lần hơn trước vì từ đây là chúng lao động cho bản thân, cho con cái mình chứ không còn vì loài người tham lam, không biết làm chỉ biết hưởng.

Nhưng, tất cả không chỉ dừng ở đó.

Thời gian qua đi, nhiều, nhiều chuyển biến diễn ra, tưởng như thảy đều hợp lý, đều vì lý tưởng ban đầu, đều vì lợi ích chung của muôn loài. Cho đến khi hết truyện, người đọc cũng như các con vật “thường dân” trong truyện đều không khỏi ngỡ ngàng khi bảy điều răn năm xưa giờ đây chỉ còn một điều duy nhất :

“MỌI CON VẬT SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG, NHƯNG CÓ MỘT SỐ CON BÌNH ĐẲNG HƠN NHỮNG CON KHÁC.”

.

Đây là một tác phẩm chứa nhiều tầng nghĩa  của George Orwell, với lối văn phong tự nhiên giản dị. Chuyện chỉ xảy ra trong phạm vi một trang trại nước Anh với nhân vật là các thứ lợn, bò, ngựa, chim chóc, cừu, dê… thế nhưng tác phẩm lại phản ánh thực tế một cách sâu sắc. Trong suốt câu chuyện, tác giả không lần nào áp đặt suy nghĩ của mình lên người đọc nhưng tự bản thân Trại súc vật, như bất kì tác phẩm văn học xuất sắc nào khác, tự thân nó đã có thể thể hiện rõ thông điệp của mình.

Trại súc vật kết thúc với một câu văn rất thú vị :


“Chúng (bọn súc vật) nhìn lợn rồi lại nhìn người, nhìn người rồi lại nhìn lợn, một lúc sau thì chúng chịu, không thể phân biệt được đâu là người, đâu là lợn nữa.”

Và một chi tiết khác làm nên giá trị của Trại súc vật chính là tính tiên đoán của nó thể hiện sự tinh tường hiếm có của George Orwell đối với đời sống chính trị xã hội. Đọc cuốn sách này tôi có thể tin chắc rằng những người đọc Việt Nam sẽ cảm thấy vô cùng, vô cùng thú vị, cho dù, nó được viết từ năm 1944, cách đây đã hơn 60 năm. Các bạn có thể tin rằng, không phải tự nhiên mà hàng lọat bảng xếp hạng uy tín về sách lại chọn Trại súc vật là một trong những cuốn sách nên đọc của mọi thời đại.

Bổ sung tháng 03/2013, Trại súc vật đã được in tặng bởi Nxb Giấy vụn và mới đây là được in bởi Nhã Nam.


.

by chiemphong

BẢY ĐIỀU RĂN 1.     Tất cả các loài hai chân đều là kẻ thù. 2.     Tất cả các loài bốn chân hoặc có cánh đều là bạn. 3.     Không con vật nào được mặc quần áo. 4.     Không con vật nào được ngủ trên giường. 5.     Không con vật nào được uống rượu. 6.     Loài vật không được giết hại lẫn nhau. 7.     Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng.
    • M.V
    • May 5th, 2010

    Cảnh ở cuối, khi Napoleon đứng hai chân, thật là một ấn tượng kinh hoàng với mình.

    • Tuan Huynh
    • September 23rd, 2010

    Cuốn này đọc hay hơn 1984, theo thiển ý của mình.
    Nó đề cập rõ ràng và dễ hiểu hơn, và đương nhiên nó mỏng hơn nữa. :D ./

  1. còn 1 điều răn thứ 8 là mọi con vật sinh ra dều khôn dược nói

    • Vee
    • April 10th, 2012

    Thật thiếu sót khi không dám nói thẳng ra ẩn ý và “tầng nghĩa” của tác phẩm này là gì. Ai cũng biết ẩn dụ của Orwell là cuộc cách mạng vô sản và phong trào CS ở Liên Xô và Đông Âu, Napoleon là Stalin, Snowball là Trotsky, kẻ sau này bị Stalin “đá” bay khỏi đời sống chính trị và cho người đuổi theo ám sát tận bên Mexico. Quả thật nếu những ai có cái nhìn khách quan và hiểu biết nhất định về lịch sử và chính trị thì đều hiểu giá trị của cuốn sách này to lớn như thế nào. Những gì bạn nói ở trên, tôi nghĩ khá chung chung và chỉ mới scratch on the surface. Khi nói đến Orwell, phải nói đến chính trị.

      • Chiễm Phong
      • April 10th, 2012

      :D Tôi thích nói hàm ý hơn. Vả lại về cụ thể Liên Xô với Stalin thì cá nhân tôi không thích cách hiểu đó. Nó quá giới hạn trong một giai đoạn lịch sử nhất định, những con người nhất định. Trong khi tác phẩm của Orwell có giá trị phổ quát hơn nhiều, nó không “hết hạn sử dụng” khi Liên Xô sụp đổ. Tôi không muốn có sự áp đặt cho người đọc của mình trong cách hiểu đa chiều về tác phẩm này. Hơn nữa, dung lượng bài viết ở Reading Cafe bao giờ cũng ngắn, để bàn sâu chỉ riêng về một mặt chính trị trong tác phẩm sẽ thành quá nhiều.

    • giang
    • April 7th, 2013

    mình thấy nếu như tác giả này có ý ám chỉ cncs thật thì giá trị của tác phẩm sẽ giảm đi rất nhiều, vì nó sẽ giảm tính khái quát của truyện, và cái nhìn cực đoan của tác giả về cncs sẽ khiến tác phẩm chỉ là 1 quyển sách tuyên truyền 1 cách khéo léo mà thôi, hãy cứ đọc nó như la 1 tác phẩm nói về xã hội con người nói chung, còn bản thân tác giả nghĩ thế nào cũng chả quan trọng, gạn đục khơi trong thôi

      • Chiễm Phong
      • April 7th, 2013

      Nhìn chung là mình đồng tình với bạn trừ việc gạn đục khơi trong. Sao lại so sánh việc loại bỏ suy nghĩ của Orwell là hành động gạn đục khơi trong nhỉ. Trong cả cuốn sách, Orwell chẳng có dòng nào bảo đây là Liên Xô hay Cộng sản cả, sao lại dùng ý chí của người đọc áp đặt là ông ấy nói về hai cái đấy xong xuôi rồi lại bảo bỏ kiểu suy nghĩ ấy ra là gạn đục khơi trong? Hơi tự biên tự diễn thì phải. :)

        • FireUnknown
        • March 15th, 2015

        Bởi vì bản chất của nó là vốn như thế!!! Suy nghĩ của Orwell quá cực đoan ở một số điểm. Ko phải vô lý mà các bác hải ngoại ưa đem cuốn này ra làm trò…Và việc cấm phát hành tại các nước chủ nghĩa xã hội cũng là minh chứng.
        Cá nóc có ăn được không? Được, nhưng có thể gây chết người, cần một đầu bếp thật giỏi.
        Sách này có đọc được không? Được, nhưng có thể đầu độc cái nhìn, cần người đọc sành sỏi.

        • Chiễm Phong
        • March 16th, 2015

        Nếu nói là đầu độc cái nhìn thì đầy rẫy sách đang lưu hành hiện nay có thể “đầu độc cái nhìn” nếu người đọc cứ tự xây dựng cho mình các định kiến sẵn có trước khi đọc. Sách nào cũng cần người đọc sành sỏi cả thôi. Mình không tán thành luận điểm vì sách của Orwell cực đoan v.v… nên đó là lý do để người Việt ở hải ngoại hay dựa vào nó (mình không thích cụm “làm trò” lắm, từ này chưa gì đã có sắc thái không hay rồi). Nếu lấy đó làm lý do chính thì hoá ra ai đọc cuốn này cũng nhất định phải suy nghĩ kiểu người VN ở hải ngoại sao?

        Còn so sánh, mình cảm thấy so sánh kiểu ấy rất là khập khiễng nhưng đùa vui một tí có thể nói thế này, nếu người ăn đã có tiền sử dị ứng hải sản thì dù ăn hải sản nào cũng sẽ phát bệnh thôi và cũng có thể tử vong như thường. :)

Leave a comment