Những con chim ẩn mình chờ chết – Colleen McCullough

Tựa đề : Những con chim ẩn mình chờ chết – The Thorn Birds

Tác giả: Colleen McCullough

Dịch giả: Trung Dũng

Nxb Trẻ (năm 1988)

.

“Theo truyền thuyết có một loài chim chỉ hót lên một lần trong cả cuộc đời nó, tiếng hót đó ngọt ngào hơn bất cứ sinh vật nào trên trái đất này. Ngay khi vừa rời tổ loài chim ấy đi tìm ngay một thứ cây có những cành gai nhọn và tiếp tục bay mãi không chịu ngơi nghỉ, cho đến khi tìm được mới thôi. Sau đó nó cất tiếng hót giữa những cành cây hoang dại rồi lao vào một cây gai dài và nhọn nhất, cây gai xuyên thủng qua ngực. Giữa cơn hấp hối một tiếng hót vút cao, thánh thót hơn cả tiếng hót của sơn ca hay họa mi. Tiếng hót tuyệt vời đánh đổi bằng cả cuộc sống. Trời đất dừng lại để lắng nghe còn thượng đế ở trên cao thì mỉm cười. Bởi vì sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận ấy.

Con chim mang chiếc gai nhọn xuyên qua ngực vẫn tuân theo một quy luật bất biến, không hiểu điều gì đã thúc đẩy nó tự đâm suốt vào tim và lịm dần trong tiếng hót. Vào lúc gai nhọn xuyên qua nó không ý thức được cái chết đang chực chờ. Nó chỉ mãi mê hót và hót cho đến khi không còn hơi thở để cất thêm một nốt nhạc nào nữa.”

.

Đây là lời đề tựa cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Thorn Birds của nữ văn sỹ Colleen McCullough. Chẳng hiểu vì sao khi đọc lời đề tựa này, tôi chợt cảm thấy rùng mình bởi tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trên đời này lại có thể tồn tại một loài chim mang vẻ đẹp say đắm đến dường ấy. Và rồi khi tôi bước vào thế giới của The Thorn Birds, tôi lại càng say đắm hơn bởi nét đẹp của tình yêu, thứ tình yêu đau đớn đến mức có thể khiến con người ta cảm thấy nghẹn ngào không thể thở nổi.

Meggie Cleary, cô bé sinh ra và lớn lên trong một gia đình chỉ toàn anh em trai và như một điều rất dễ nhận ra, cô bị lãng quên trong chính gia đình ấy. Meggie không hề nổi bật và gần như không được chú ý. Ấy vậy mà trên sân ga tàu của một ngày cuối mùa hạ, có một người đã nhìn thấy cô, đã phát hiện ra nét đẹp của cô bé. Người ấy đã đến bên Meegie, nắm chặt lấy đôi bàn tay cô, nhìn cô bằng cặp mắt trìu mến. Lần đầu tiên, Meggie trở nên nổi bật trong mắt một người. Người ấy chính là Đức cha Ralph De Bricassart. Có lẽ, ngay từ giây phút ấy ông đã yêu Meggie, cô bé thua ông hàng chục tuổi. Phải, ông đã yêu, yêu bằng thứ tình yêu mà ông từng thề nguyện sẽ chỉ dành cho Chúa. Ông đã chăm sóc, đã nâng niu trân trọng Meggie, đã nhào nặn cô trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và cao quý. Ông làm tất cả những điều đó bằng tình yêu chân thành của mình, nhưng ông lại không bao giờ có thể đến với cô một cách đúng nghĩa. Bởi vì ông là một mục sư, và ông không thể, không được phép yêu ai ngoài Chúa. Cả ông, cả Meggie đều bị đặt vào sự nghiệt ngã của số phận, nhưng họ sẽ vẫn sống vì những khát khao, những ước mơ của bản thân mình và họ vẫn yêu dẫu cho cả đời không thể nói thật to cho cả thế gian biết về tình yêu ấy.

The Thorn Birds là bản tình ca bất tận, là viên ngọc sáng của nền văn học thế giới và đơn giản là giấc mơ của chính tôi.

Tại Việt Nam tồn tại hai bản dịch cho tác phẩm này, một có tên là Tiếng chim hót trong bụi mận gai (dịch từ bản tiếng Nga) và một có tên là Những con chim ẩn mình chờ chết (dịch từ bản tiếng Pháp). Bản tôi được đọc là bản dịch từ tiếng Pháp năm 1988 và cá nhân tôi cho rằng cái tựa này dường như bao hàm đầy đủ ý nghĩa hơn là cái tựa Tiếng chim hót trong bụi mận gai.

Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 1983.

by shirrlly

    • Cappuccino
    • July 29th, 2010

    Tôi đọc cuốn truyện này vào đêm khuya, khi đã tạm xong công việc. Đã hơn 1 năm kể từ khi tôi đọc cuốn này, và phải thừa nhận là chưa có cuốn nào khiến tôi có thể đọc lại, say mê từng chữ như thế từ đó đến nay.
    Có lẽ bới rất yêu những nông trang đồn điền từ thời coi Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên nên tôi đọc những đoạn tả về việc chăn cừu, xén lông cừu và để trí tưởng tượng mình bay xa.
    Tôi thương cho tình yêu của Meggi và Đức Cha. Chỉ một người khao khát, tranh đấu chưa đủ cho một tình yêu vẹn tròn.
    Thương cả con gái Meggi nữa.

    • emerald
    • April 10th, 2012

    Mình thấy thích cái tên “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” hơn.Cái tên đầy chất thơ,đồng thời cũng nói lên khát vọng được “sống” mãnh liệt của những người phụ nữ như Fee,như Meggy hay con gái cô – Justine – sau này.Họ không có quyền năng để thay đổi tất cả nhưng lại có sức mạnh đấu tranh và giữ cho ngọn lửa hy vọng bùng cháy.

    Còn về đầu đề “Những con chim ẩn mình chờ chết” lại mang tới cảm giác tuyệt vọng quá.Lời mở đầu trong cuốn truyện kể về một chú chim cất tiếng hót cuối cùng,và cũng là tiếng hót tuyệt diệu nhất trong đời – ngay khi bị cành gai đâm xuyên qua.Tiếng hót duy nhất đó thật rực rỡ và huy hoàng biết bao,dù nó phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

    Nếu đã có thể được sống trên đời thì dù cuộc sống đó có ngắn ngủi đến mấy chúng ta vẫn phải khiến cho nó trở nên đáng giá chứ,phải không ?

    • bingo
    • February 4th, 2013

    bản dịch “Những con chim ẩn mình chờ chết” không biết có bị dịch lược bớt không mà số trang ít quá, chỉ tầm 400. Bản dịch ”tiếng chim hót” của phạm mạnh hùng toàn tầm 800 trang trở lên cả

      • Cao Quan
      • October 26th, 2014

      Mình cũng thấy vậy… đa số các bản mình biết thì khoảng 700-800 trang… còn bản “Những con chim ẩn mình chờ chết” sao thấy có 400 trang… có thể có lược bớt. Nhưng mình đọc thấy bản dịch “Những con chim ẩn mình chờ chết” thoáng và nhẹ hơn một chút

  1. Thú thật, cảm nhận của bạn… ngắn quá. Gần như là không cảm nhận gì cả.^^ ngoại trừ tóm tắt nội dung….

    Hơi tiếc, đây là tác phẩm gây khá nhiều tranh cãi, đặc biệt với ngươi theo đạo. Tuy đây không phải tác phẩm mình ưa thích nhất, bởi vì, chính mình còn không biết mình nên chạy theo “phe” nào nữa nên tốt nhất cứ đọc xong rồi ở giữa cho lành. T__T. Nhưng tác phẩm này, với người có niềm tin mạnh, thì việc Đức Cha yêu Meggie là một sai lầm, và đây là hành động của sự rơi vào cám dỗ của Satan. Cho dù, nếu có theo Tin lành, ông ta cũng không được phép lấy vợ, trừ linh mục. Do đó, tác phẩm này lại được hiểu theo chiều hướng “niềm tin bị cám dỗ”, và bị lên án. Nhưng nếu nhìn vào khía cạnh tình yêu, thì đây là 1 tác phẩm miêu tả một phần bức tranh đẹp của tình yêu.

    Mình đến giờ chưa hiểu hết cái tác phẩm này, cũng không thích phải đọc lại nó lần 2, một phần vì mình cũng nằm trong số những người có lòng tin tuyệt đối với Chúa Trời, và việc làm của Đức cha Ralph, là một việc mình khó chấp nhận và thấu hiểu được, ngay cả khi biết nó là điều không thể chối bỏ, nhưng hành động của Cha Ralph nó chỉ là một hành động nhu nhược trong mắt mình thôi, và vì ông ta đã không giữ được sự sáng suốt của ông ta, chia sẻ con tim cho một người đàn bà trần tục. Ít nhất đây là điều trong thâm tâm mình không ngừng gào thét khi đọc tác phẩm này. Nhưng đọc xong, nếu là Thiên Chúa, người cũng sẽ phải xót thương cho Meggie, và rằng tình yêu không có lỗi, và rằng họ thật sự xứng đôi, và….. dù là 1 con chim tuyệt vọng cố lao vào bụi mận gai cất tiếng hót trong đau đớn, nhưng nó lại đẹp tuyệt vời, là tiếng hót lưu lại cho muôn đời, là bản tình ca bất diệt…..

    Vậy đó là lý do, mình luôn mâu thuẫn khi đọc hay xem phim về tác phẩm này. Niềm tin lý tưởng đấu tranh với tình yêu và tội lỗi, đâu mới thật sự là lối thoát, và đâu mới là ý định của Thiên Chúa. Nó quá phức tạp, với 1 kẻ đơn giản như mình, tác phẩm này thực sự gây ra 1 dấu chấm hỏi lớn cho mình ngay cả khi đọc xong truyện. Nó khiến mọi người phải nghi ngờ kinh thánh, nghi ngờ điều răn dạy của Chúa, giữa tình yêu và sự hy sinh, đâu mới là tình yêu thật sự và hy sinh thật sự. Đó là lý do, mình quyết không đưa tác phẩm này vào list sách nên đọc của mình, và quan điểm với cuốn này là trung lập. Dù sao, nó cũng chẳng thay đổi được niềm tin của những người sùng vào đạo, hoặc tin vào chân lý của thánh thần, như mình.

      • ban mai
      • March 21st, 2014

      Mình thích cảm nhận của bạn Kim Thien Luu. Bạn quả là một tín hữu chân thành. Cám ơn bạn.

    • Duc
    • February 11th, 2019

    It is the best Roman that I read in my life, after bible.

Leave a comment