Nineteen Eighty-Four (1984) – George Orwell

.

Tựa sách : 1984 – Nineteen Eighty-Four

Tác giả : George Orwell

.

Reading Cafe từng giới thiệu một tác phẩm của George Orwell – Trại súc vật (Animal Farm). Và lần này, tôi xin được nói về 1984, kiệt tác nổi tiếng nhất của nhà văn Anh xuất sắc này. Như các bạn đã biết, 1984, cũng như Animal farm, luôn được các bảng xếp hạng sách đánh giá rất cao cho dù nó là một cuốn sách khá mỏng.

Trước hết, cái tựa của 1984 có nghĩa là gì ? Hiểu một cách đơn giản, đó là năm 1984. Chính tựa đề này đã đem lại giá trị dự báo rất lớn cho tác phẩm, tuy nhiên, theo những nhà văn cùng thời thì 1984 chỉ là đảo của 1948, thời điểm George Orwell viết sách.

Nineteen Eighty-Four (1984) được George Orwell xuất bản năm 1949 là một câu chuyện giả tưởng kể về thế giới ở tương lai vào năm 1984. Khi đó, London chìm trong một thứ chủ nghĩa tập thể (English Socialism) cực đoan với những người lãnh đạo sống trong các Bộ, mặc đồng phục, sinh hoạt theo giờ, phải triệt tiêu mọi ham muốn, bị theo dõi ngay tại chính nhà mình bởi một thứ máy móc vô cảm lẫn bởi những đứa con vô cảm của họ… Nhân vật chính, Winston Smith là một nhân viên cấp thấp trong tổ chức ấy, ba mươi chín tuổi, bị loét tĩnh mạch đầu gối, làm việc chăm chỉ, đôi khi “sáng tạo” và yêu thích những cái đẹp cổ xưa. Sẽ không có vấn về nếu chính quyền không cấm người ta nhớ đến những giá trị đã mất. Chỉ có xã hội dưới chính quyền hiện tại mới tốt đẹp, mặc cho những bản báo cáo dối trá, thứ rượu có mùi dầu, bánh mì đen, canh hổ lốn… bên cạnh đó là bộ máy mật thám, cảnh sát cực kì tàn nhẫn. Ban đầu Winston chỉ phản kháng lén lút hoặc trong tư tưởng, cho đến khi anh nhận được tình yêu từ một phụ nữ làm cùng Bộ – Julia…

1984 là một quyển sách mỏng, thậm chí có thể xem là quá mỏng nếu đem so với nội dung mà nó chứa đựng. Và đây là một cuốn sách làm tôi sợ khi đọc xong. Đó không phải là kiểu sợ hãi mà những thứ văn chương, phim ảnh kinh dị đem đến, mà sâu hơn rất nhiều, chạm đến lõi trong nhận thức. Vì sao ? Tôi nghĩ, có lẽ chính vì nó viết quá sắc bởi một tác giả hiểu quá sâu về con người.

Khác với Animal farm, tuy nhiều tầng nghĩa nhưng chúng hẵng còn tương đối tách bạch, rõ ràng. Ở 1984, tư tưởng mà nó hàm chứa quyện vào nhau, xoắn xuýt, cuồn cuộn và hoàn toàn u ám. Diễn biến bi kịch của Animal farm hoàn toàn có thể dự báo, 1984 thì không. Sự sợ hãi, phấp phỏng, nghi ngờ, ám ảnh… ở khắp mọi nơi, mọi lúc, mọi trang sách, không biết lúc nào mới chấm dứt, dù là chấm dứt một cách thảm khốc. Mối tình của Winston và Julia vừa bi thương lại vừa tươi đẹp. Thật khó để nói rằng đây đơn thuần chỉ là một chuyện tình lãng mạn mờ ảo bởi lẽ nó ẩn chứa quá nhiều khát vọng sống. Họ dường như cố gắng sống để yêu nhau rồi lại vồ vập yêu nhau chỉ để có thể tiếp tục sống. Tất cả chỉ bởi vì thế giới của năm 1984 đó ở nước Anh với một nền cai trị độc tài cực quyền đã tước đoạt quyền sống của con người, và rất dè sẻn, nó ban cho họ sự “không-chết”. Khắp nơi đầy những áp-phích của lãnh tụ, những khẩu hiệu, những tổ chức đoàn hội. Con người trong thế giới đó không được hưởng cuộc sống thực sự đã đành, tồi tệ hơn cả, họ còn được “tẩy não” đến mức hầu hết quên đi sống là như thế nào.

Tuy tội ác của chế độ trên dàn trải khắp từng trang sách, hầu hết qua những chuyển biến tâm lý của các nạn nhân hoặc người chứng kiến, nhưng nó hiện lên rõ nhất chính là ở mối quan hệ của hai nhân vật chính, Winston và Julia. Kết cục mối tình của họ làm tôi có cảm giác George Orwell không kém mà có khi lại có phần hơn hẳn các tác giả chuyên viết các thứ bi kịch tình yêu với những kết cục đẫm lệ xót xa. Bởi lẽ tình yêu của hai nhân vật ông xây dựng kết thúc theo đúng nghĩa đen của từ này, thật đến mức nó dường như không còn là chi tiết trong một cuốn tiểu thuyết nữa.

“Có lúc,” nàng nói, “chúng mang dọa mình một thứ — một thứ mình không đương đầu nổi, không dám nghĩ đương đầu với. Rồi mình xin: “Chớ làm thế cho tôi, làm thế cho người khác, làm thế cho người này người nọ.” Có thể sau đó, mình ra điều đấy chỉ là một mánh khóe, mình chỉ nói thế để cốt chúng ngưng tay, nhưng thật ra mình không muốn thế. Nhưng không phải vậy. Lúc chuyện xảy ra mình quả muốn thế. Mình cho rằng không có cách tự cứu nguy nào khác, và hoàn toàn sẵn sàng tự giải nguy cách ấy. Mình muốn điều đó xảy ra cho người kia. Mình không màng gì đến sự đau khổ của người ta. Mình chỉ lo cho chính mình thôi.”

“Mình chỉ lo cho chính mình thôi,” anh lặp lại.

“Và sau đó, tình cảm của mình đối với người kia không còn như trước nữa.”

“Không,” anh nói, “tình cảm của mình không còn như trước nữa.”

 

Cuối cùng, cả Winston lẫn Julia đều bị khuất phục, trước đó thể xác họ đã khuất phục vì bị tra tấn, sau đến tinh thần. Cuối cùng, ý chí, khát vọng trong họ, thảy đều bị tiêu diệt. Một cách hết sức ngoạn mục, tôi tin có thể nói như vậy, ngoạn mục đến lạnh người. Thế nhưng, đó là số phận của nhân vật. Còn số phận của 1984 thì như thế nào ? Cũng như Animal farm, 1984 có tính dự đoán đáng kinh ngạc. Và 1984 đã trở thành một trong những quyển tiểu thuyết kinh điển nhất của nền văn học thế giới, nó không chỉ có giá trị về mặt văn chương mà cao hơn, đã mang một giá trị nhân văn sâu sắc. 1984 là tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng chỉ thua series Harry Potter (65  so với 67 ngôn ngữ) và từ Orwellian đã trở thành một tính từ trong ngôn ngữ Anh. Cá nhân tôi cho rằng, đây quả thực là một tác phẩm không thể bỏ qua, và lời khuyên này không chỉ đơn thuần dành cho những ai yêu văn chương.

Nói ngoài lề, khi tác phẩm 1Q84 của Haruki Murakami xuất bản tôi đã giật mình mừng hụt vì nghĩ là 1984 của Geogre Orwell…

Các bạn có thể đọc bản dịch tiếng Việt của 1984 tại đây. Tuy nhiên, theo tôi, bản dịch này khá tệ, lủng củng và tối nghĩa, do vậy, các bạn nên đọc nguyên bản tại đây.

chiemphong

Reading Cafe tại facebook

    • BL
    • October 11th, 2010

    Bạn đánh giá quá cao cuốn này. Mìn thấy nó ít thực hơn bạn miêu tả. Cuốn trại gia súc có vẻ được hơn.
    Tận cũng của nhân văn là gì. giống hiện thực và hiện thục là gì?
    2 nhân vật trong truyện này không phải là con người và nếu có thì là 2 con người bệnh hoạn. Họ không có một bản năng cơ bản mà bất kỳ người nào cũng có là “quên”. Chính cái “quên”, chứ không phải là “nhớ” là thứ giúp ta sống.

    Cái thật nó nằm trong những điều bùn cười,chứ không phải là nghiêm chỉnh, mình quan niệm vậy. Óc Eo không biết cười.

      • Trung Tín
      • December 28th, 2011

      Theo tôi thì cuốn 1984 này sâu sắc hơn hẳn Animal Farm. Người giới thiệu có những nhận xét rất chính xác. Nếu Animal Farm chỉ để làm người ta cười chế nhạo thì cuốn 1984 làm cho người ta cảm thấy sợ tới tận tâm can. Thật đáng tiếc khi người Việt Nam không được tiếp cận cuốn sách này.

    • chiemphong
    • October 11th, 2010

    Tôi không thấy mình đánh giá quá cao cái gì cả, vì đây là quan điểm của tôi, nhận định của tôi. Tôi không dùng quan điểm của người khác để làm thước đo cho bản thân, cụ thể ở đây là quan điểm của bạn. Do đó, những điều bạn đưa ra tôi mạn phép bỏ qua không phản hồi. Nói nôm na là, tôi chẳng thấy bị thuyết phục hay đồng tình với điều nào (từ những điều liên quan đến 1984 cho đến quan điểm “cái thật” của bạn).

    • Rjn
    • October 27th, 2010

    Ban gioi thieu cuon 1984 cua George Orwell rat hay :D Neu hoc sinh vn dc tiep can voi nhung tac pham nay thi hay biet may chang han nhu ben Aus 1984 dc dua vao chuong trinh day hoc VCE cua mon ESL. Doc cuon nay giup mo mang tri oc, tu duy.

    • dgnwallz
    • February 3rd, 2011

    Đang đọc. Rất hay.

  1. Mình nghĩ nếu có sự so sánh với các tác giả cùng thời, cùng thể loại thì sẽ có cái nhìn toàn diện hơn. Rất cảm ơn bạn vì bài đánh giá này.

    Old handwritings.

    • Note
    • June 28th, 2011

    Tớ có nên đọc Animal Farm và 1984 không?

    Tớ đã lưu 2 quyển này về máy từ lâu, rất lâu rồi mà không dám in ra để đọc (cũng may mà tớ có thói quen in sách, chứ nếu cứ đọc trên máy thì chắc xong lâ rồi). Quả thật là nghe nhiều người giới thiệu về 2 quyển này mà thấy sợ, sợ là chẳng may mình đọc vào sẽ trở thành người có tư tưởng nghĩ xấu về Nhà nước, chống lại chế độ. Từ xưa tới giờ tớ sống ở Việt Nam, đã quen với lối sống ở nước mình, quen với những “điều chưa hay” của Việt Nam (làm thủ tục giấy tờ gì cũng “hành là chính”, báo chí thì bưng bít thông tin, muốn làm mọi thứ suôn sẻ thì phải có tiền bôi trơn…). Quen quá rồi, cho nên đến giờ chả cảm thấy phẫn nộ hay bức xúc gì nữa. Hơn nữa gia đình họ hàng tớ từ xưa tới giờ cũng luôn sống giống như đa số người dân Việt Nam, như những “công dân mẫu mực”, chưa có ai nằm trong thành phần “thiểu số” và bị quy tội chống phá này nọ kia gì cả. Vậy nên tớ cũng không có lí do gì để nghĩ xấu về Nhà nước, mặc dù biết là nó cũng có những cái hạn chế…

    Vậy người như tớ có nên đọc 2 truyện này không? Tớ đã nói rồi đó, tớ không muốn đọc xong mà lại mất thời gian so sánh cái hiện thực trong truyện với tình hình đất nước bây giờ, rồi thì lại mất thời gian mà suy nghĩ linh tinh rồi bức xức tuyệt vọng. Thực sự là tớ cần các bạn cho một lời khuyên.

      • chiemphong
      • June 28th, 2011

      Đưa ra nhiều lý do có tính “phủ nhận” như vậy mà vẫn hỏi có nên đọc không thì mình mạo muội đoán là bạn quả thực muốn đọc.

      Nếu đã muốn đọc, mình nghĩ bạn nên dẹp các định kiến trên đây đi và đọc sách. Những cái một số người nói về 1984 Animal farm đều chỉ là họ nói, bản thân bạn chưa đọc sách, chưa có cái nhìn của cá nhân mình thì đừng nên gán ghép ngay từ đầu như thế. Hai tác phẩm này là những cuốn sách rất hay, đặc biệt là 1984 mang phong vị “fantasy” rất lớn. Bạn nên rõ, khi 1984 ra đời, mới chỉ là năm 1948, những cái “sự thật lịch sử” tương ứng về sau một là trùng hợp, hai là suy đoán, ba là gán ghép, còn về cơ bản là trí tưởng tượng và suy luận của George Orwell. Cũng có nghĩa là, tác phẩm có thể có nhiều cách hiểu.

      Bạn nên biết, Geogre Orwell trước hết là một nhà văn, 1984 Animal farm trước hết là các tác phẩm văn học. Tính chất chính trị hãy bàn sau.

      Còn nếu bạn cảm thấy khó lòng dẹp định kiến sẵn có để “thanh thản” mà đọc sách thì mình tin, bạn nên lựa đầu sách khác mà giải trí. Đọc hay không cũng không thực sự cần thiết lắm.

        • Linh
        • June 29th, 2011

        Năm 1948, chế độ CS đã có gần nửa thế kỷ tồn tại trên đất Nga rồi bạn ạ, và nếu bạn nhớ, trong những năm này, Stalin đang làm gì, sự kiện gì xảy ra trên thế giới. Là Quốc tế thứ ba, là Đông Tây Đức, là Liên Xô bành trướng quyền lực ở Đông Âu, là CNCS trở thành một phong trào trên thế giới. “Hiện thực” mà G.O. phản ánh là hiện thực xảy ra tại Liên Xô, tại Đông Âu trong chính thời gian ấy, trong đỉnh điểm quyền lực và sức mạnh của chế độ Stalin, có cả những điều mà phương Tây cho rằng là việc làm của Lenin, ví dụ như việc thử nghiệm con người trong phòng thí nghiệm. Độ “fantasy” của tác phẩm thực ra là phản ánh đúng không khí “viễn tưởng” của thời đại, khi người ta đua nhau “cải tạo thế giới”, và Hitler thì đi điều chế ra một “giống loài hoàn hảo”.

        Tiếp cận tác phẩm như của G.O. cũng cần có một vốn lịch sử tương đối, hoặc chút ít hiểu biết về cái nhìn của phương Tây với Xô viết. Còn bằng không, cứ đọc nó như một cách chiêm nghiệm. Người VN đi sau quá nhiều về nhận thức lẫn hiểu biết, đến mức có những điều được phản ảnh cả thế kỷ trước rồi mà bây giờ mới nhận thấy.

        • chiemphong
        • June 29th, 2011

        Không nhất thiết phải nói với người mới bắt đầu đọc 1984 những cái trên bạn ạ, có những thứ nhiều khi rất khó phân định giữa “hướng dẫn” và “áp đặt”. Nếu ngay từ lúc bắt đầu đã nghĩ rằng đây là tác phẩm viết về Stalin, về Liên Xô, về Đông Âu trong khi 1984 không thực-sự nói ra như vậy sẽ làm mất đi tính khái quát chung của tác phẩm cũng như ảnh hưởng đến nhận định cá nhân người đọc.

        Như mình từng nói trong topic 1984 ở Thư viện ebook (tháng 7/2010) :

        Cá nhân tôi không cho rằng 1984 chỉ đơn thuần viết về chính trị nói chung hay chính quyền kiểu Stalin nói riêng. Nó viết về con người, bản chất của con người. Chế độ chính trị hay gì cũng chỉ là sản phẩm của một giai đoạn mà thôi, tác phẩm văn học xuất sắc thì không có hạn sử dụng như vậy.

        Suýt nữa thì quên, nếu đọc, bạn Note nên đọc bản tiếng Anh trước.

    • ldy_en
    • September 25th, 2011

    chưa nxb nào cho xuất bản cuốn truyện này thì pải :-??

      • Chiễm Phong
      • September 26th, 2011

      Trước 1975 đã có xuất bản, gần đây thì NXB Giấy vụn có in và tặng. :D

    • Vee
    • April 10th, 2012

    Xin lỗi bạn nhưng tôi xin nói thẳng ra là bạn đã đọc 1948 nhưng chả hiểu gì về nó cả. Đây không phải là thể loại thuần tuý fantasy. Đây là cuốn sách phản ánh những cái xấu của CN CS một cách rất xác đáng dựa trên cách miêu tả ẩn dụ rất tài tình. Không phải cuốn sách là những đoán mò trong tương lai như bạn nói mà là tác giả viết nó dựa trên chính những kinh nghiệm của mình khi hoạt động trong phong trào Cách mạng ở Tây Ban Nha trước đó, nơi ông đã được va chạm với những người CS thật sự. Cái này chẳng phải là nói đến London mà đúng là đang ẩn dụ đến nước Nga. Big Brother chính là Stalin. Cuộc tình của 2 nhân vật trong truyện chỉ làm nền cho những ẩn dụ chính trị lớn lao hơn. Bạn chỉ chăm chăm vào chuyện tình yêu nhưng thật sự mà nói đây không phải là tác phẩm chủ đề chính là tình yêu mà là một tác phẩm thuần tuý về chính trị. Tôi thành thật khuyên bạn khi đọc sách cũng nên tìm hiểu chút ít về cuốn sách chứ đừng nên quá tự tin về khả năng cảm thụ và kiến thức của mình.

      • Chiễm Phong
      • April 10th, 2012

      Có vẻ như người quá tự tin ở đây là bạn.

      Search bất kì bài viết nào về 1984 cũng sẽ thấy cơ man nào là chính trị chính trị và chính trị. Ngay cả tính từ “orwellian” tôi đề cập trong bài cũng có ý nghĩa liên quan chính trị. Hay bạn không biết ý nghĩa của từ này dù bạn rất “rành” 1984 ? Chắc là bạn không biết vì nếu biết thì không “phê phán” tôi thế kia. Tôi còn có một bản gốc 1984 của nhà xuất bản New York in năm 1964 (trước 1984 nhé ;)) ) với hàng loạt bài phân tích kèm theo sau sách. Và dịch giả cũng là một người bạn quen của gia đình tôi. Cho nên muốn không biết về mặt chính trị của 1984 cũng hơi khó với tôi đấy.

      Tuy nhiên, đây là một bài cảm nhận về tác phẩm, không phải một bài phân tích về mặt chính trị của 1984, tôi chỉ đề cập, không đi sâu theo đúng tiêu chí của Reading Cafe.

      Lời khuyên cuối cho bạn, nếu bạn đọc bài cảm nhận của tôi mà chỉ có thể thấy là nó nói đến “chuyện tình yêu” thì tôi mạn phép che miệng cười. Cũng xin bạn ngừng bảo với tôi rằng 1984 là tác phẩm thuần túy chính trị vì xin lỗi, ý kiến này tôi không nuốt được. Quá nông cạn, hời hợt và máy emóc. Tôi tin rằng bài viết của mình còn đi sâu hơn thế rất nhiều. Còn cụ thể thì tôi đã viết trong bài và hàng loạy comments rồi. Cách hiểu của bạn ở đây bỗng dưng… “khiêm tốn” thật.

      P.s: Quên nói cái này, chẳng ai bảo 1984 thuần túy fantasy cả, trừ bạn. Tôi chỉ nói “1984 mang phong vị “fantasy” rất lớn”. “Thuần túy” và “rất lớn” không phải là một. Đừng nhét chữ vào mồm tôi, được chứ ?

    • Vee
    • April 10th, 2012

    Tôi nói chính trị không phải nghĩa đen của nó như bạn hiểu. Chính trị trong cuốn sách này là những vấn đề dài dòng liên quan đến lịch sử và đời sống của nhân loại và nhân dân VN trong đó có bạn. Những vấn đề này nếu nói ra tôi sợ blog bạn bị liệt vào danh sách đen và cũng không có đất cũng như thời gian mà viết cho hết.

    Nói tóm lại là như thế này. Phân tích hay nhận định về cuốn 1984 mà viết như bạn thì giống như đọc hết cuốn sách mà không hiểu gì cả. Nói đến 1984 mà chỉ “dám” hiểu những chỗ râu ria chung chung như trong bài viết của bạn thì xin bạn đừng đọc và đừng viết review thì hơn.

    Tôi đã xem qua nhiều bài review của bạn, nói chung tôi rất ngưỡng mộ tài của bạn. Nhưng có vẻ gu đọc của bạn là những loại sách khác, chứ cuốn này và cuốn Animal Farm bạn không hiểu được vì cái nhìn của bạn không phải là cái nhìn của một người nhạy cảm về thời sự, lịch sử và đặc biệt là chính trị.

    Tôi không hiểu rằng cuốn sách gốc của bạn đó là của nxb New York hẳn là bằng tiếng Anh, mà sao lại có dịch giả? Vì nhớ không lầm, ông Orwell là người Anh, còn dịch chi nữa? Mà tôi thấy lý luận của bạn không rõ ràng, vì ông đó là người quen của gia đình bạn thì điều đó đâu có nghĩa rằng bạn hiểu rõ cuốn sách này nói gì.

      • Reader
      • April 11th, 2012

      Còn tôi thì nói, bảo 1984 chỉ nói về CNCS thì quả thật là không hiểu về chính trị. :)

      Chế độ độc tài không dành riêng cho bất cứ hình thái chính trị “đặc biệt” nào. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phong kiến… đều từng tồn tại chế độ độc tài dưới nhiều hình thức khác nhau, dùng nhiều phương thức chính trị khác nhau. Điều độc đáo của 1984, đúng như người review nói, là “nhìn thấu con người”. Cách thức mà một chính phủ cùng thứ “chủ nghĩa” hay “thần tượng” nào đó thao túng con người, cách thức mà con người bị cuốn theo hay bị hủy diệt đến tận cùng – như là “tình yêu”, lương tri, đạo đức… Một khi “con người” – hay người đọc tỉnh táo để hiểu rõ thế nào là “chính trị” thì sẽ tốt hơn là chỉ “quy nạp” tất cả tội lỗi và phương thức này vào một hệ thống chính trị nhất định. Nếu suy nghĩ như vậy, dễ dàng lạc từ “chế độ độc tài” này sang “chế độ độc tài” khác, với những “chủ nghĩa” và “thần tượng” hoàn toàn khác nhau, với những nỗi sợ hãi và thù ghét hoàn toàn biến thiên – Nhưng cái cốt lõi, cái cấu thành phương thức chỉ là một.

      Nếu như bạn quan tâm đến chính trị hay lịch sử VN, bạn hẳn cũng dễ dàng nhận thấy điều đó. Nếu như bạn nhìn ra thế giới, bạn càng dễ dàng nhận ra.

      Chế độ độc tài không phải là “đặc sản” của bất cứ chủ nghĩa hay xã hội nào. Orwell có thể dùng một hình mẫu để viết, nhưng thứ mà 1984 nói đến là con-người.

        • Vee
        • April 12th, 2012

        Bạn nói dài dòng nhưng hình như chẳng biết mình đang nói cái gì.

        Xin lỗi, tất cả những tác phẩm văn học trên thế giới này đều nói về con người. Phát biểu một câu chung chung như bạn, thì đứa con nít cũng nói được.

        Ở đây, ông Orwell đã thông qua miêu tả CNCS với tất cả sự xấu xí, lừa bịp và độc tài (độc tài chỉ là một chi tiết con của CNCS chứ không phải là chi tiết chính của tác phẩm) để thông qua đó nói lên bản chất xấu xa của con người được tạo điều kiện tối đa để bộc phát dưới cái chủ nghĩa này.

        Nói độc tài là cái chung mà chủ nghĩa nào cũng có thì hình như bạn đang nguỵ biện. Suy luận của bạn như vậy tôi cũng không dám tranh cãi với bạn cho mệt.

    • Tôi không có ý nhảy vào cuộc tranh luận về cuốn 1984 của Vee và Phong nhưng xem ra Vee hiểu sai ý của Phong trong comment gần nhất của bạn ấy rồi thì phải.

      Chiễm Phong đã comment, rằng bạn ấy chỉ để lại một chút cảm nhận chứ không đi sâu vào phân tích tác phẩm. Bản thân Reading~Cafe không phải là một website chuyên sâu về phê bình, phân tích văn học mà là blog ghi lại những cảm nhận của người đọc sách mà đa phần nhiều người là không chuyên. Thế tức là không hề hạn chế khả năng hiểu của người viết điểm sách, và chúng tôi cũng rất tôn trọng các bình luận mà các bạn đọc khác để lại. Bản thân tôi khi viết điểm sách cũng có những ý kiến trái ngược với người khác, cũng có khi không viết hết những gì mình hiểu mà chỉ nêu lên những đặc điểm đặc sắc nhất của cuốn sách khiến mình nhớ tới thôi. Mà cũng có thể trong quá trình tranh luận, những ẩn ý của tác giả đưa vào tác phẩm có thể khiến cả người viết điểm sách và các bạn đọc khác hiểu hơn.

      Ngoài ra, nội dung chính trong 1984 mà bạn nhắc tới, chính trị, lịch sử, đời sống của nhân loại là những điểm mà rất nhiều nhà phê bình, phân tích đã nhắc đến rồi. Vậy thì nếu Phong không muốn ghi lại cảm nhận của mình về vấn đề mà bạn ấy biết rõ, bạn ấy sẽ không làm.

      Còn ý kiến về dịch giả, khi có lần trao đổi về bản dịch 1984 với Phong, tôi được biết rằng dịch giả là người Việt, dịch sách sang tiếng Việt, còn bản Phong có xuất bản năm 1964 là bản tiếng Anh.

      • Chiễm Phong
      • April 11th, 2012

      Bạn Vee thân mến,

      Theo tôi được biết, 1984 ở VN hiện nay có hai bản dịch phổ biến. Một là bản dịch trước giải phóng và hai là bản dịch của dịch giả Phạm Minh Ngọc trên talawas. Tôi dùng từ “bản gốc” khi nói đến bản của nxb New York. Không phải bạn nghĩ rằng bản gốc lại còn cần có dịch giả chứ ? Cái cách lý luận gán ghép của bạn càng lúc càng dở khóc dở cười rồi đấy.

      Tôi cũng không nói là tôi “hiểu rõ”, tôi chỉ nói là để tôi không biết về mặt chính trị của 1984 cũng khó. Việc quen biết dịch giả thì chuyện nghe nhắc đến mặt chính trị của 1984 là bình thường, không có gì gượng ép cả. Giữa biết và hiểu rõ hình như là hai khái niệm khác nhau thì phải. Vả lại tôi không đủ ngạo mạn để tuyên bố rằng mình “hiểu rõ”. Một lần nữa tôi rất vui nếu bạn đừng nhét chữ vào mồm tôi.

      Về từ “chính trị”, tôi thấy hơi buồn cười khi bạn phân ra nghĩa bóng và nghĩa đen. Tôi chưa từng thấy ai lại bảo mấy nghĩa bạn nói là nghĩa bóng của chính trị cả. Chắc bạn không cần tôi trích ra đây nghĩa “chính trị” trong tự điển ? Ở đây không chỉ có tôi và bạn, đừng để những người biết hơn bạn cười vào cách bạn phân tích từ “chính trị” ra bóng với đen như thế thì hơn. Ngoài ra, xin lỗi lần nữa là trong bài phản hồi trước của tôi, tôi hình như không có nêu ra cách hiểu từ “chính trị” của mình để bạn có thể xác định đó là bóng hay đen.

      Cuối cùng, tôi thành thật khuyên bạn là : tôi không biết bạn hiểu 1984 đến mức nào, rành lịch sử ra sao, tôi chỉ hi vọng bạn xem xét lại khả năng tranh luận của mình, thay vì gán ghép chữ vào mồm người khác sau đó tự bô lô ba la phản biện lại… chính mình. Vì nếu cứ bạn cứ tiếp tục tự biên tự diễn trên phông nền là bài viết ở blog chúng tôi thì tôi nghĩ hẳn bạn có chỗ riêng tư hơn và thích hợp hơn để làm điều đó. Cá nhân tôi cảm thấy, bạn hoàn toàn lý luận cùn cho nên mạn phép không tiếp những chuyện vớ vẩn của bạn nữa.

        • Vee
        • April 12th, 2012

        Chào bạn Phong, nếu bạn muốn người ta không hiểu lầm thì làm ơn diễn đạt cho rõ. Bạn nói bản gốc tiếng Anh rồi lại nói ngay lập tức là dịch giả (hoàn toàn không đề cập đến dịch giả của bản tiếng Việt), thì hoá ra bạn đang đánh đố người ta à?

        “Tôi còn có một bản gốc 1984 của nhà xuất bản New York in năm 1964 (trước 1984 nhé ;)) ) với hàng loạt bài phân tích kèm theo sau sách. Và dịch giả cũng là một người bạn quen của gia đình tôi.”

        Tôi cũng không hiểu ai đang đi vào lý luận cùn ờ đây?

    • Vee
    • April 11th, 2012

    Như bạn nói rằng Phong không muốn ghi cảm nhận về vấn đề đã biết rõ (ẩn dụ về chính trị v..v..) thì bạn ấy sẽ không làm. Nhưng xin lỗi bạn, nếu bạn không nói ra thì người khác cũng có quyền nghi ngờ rằng bạn không biết. Hình như các bạn đang nguỵ biện.

    Bạn hãy xem lại bài điểm sách này. Từ đầu đến cuối là tóm tắt nội dung rồi còn cho biết cả kết thúc (trong văn hoá phương Tây là cấm kỵ, người ta gọi là Spoiler). Bạn ấy nói sách hay, tác giả hiểu về con người, tư tưởng quyện vào nhau, có tính dự đoán cao và có giá trị nhân văn. Nhưng tôi hoàn toàn không thấy ví dụ cụ thể nào để giải thích và chứng minh cho những nhận xét trên.

    Xin lỗi bạn vì tôi khó tính nhưng đối với tôi, khi bản thân đã cho đây là cuốn sách hay và có giá trị như bạn Phong nói từ đầu, thì tôi phải đọc nó một cách kỹ lưỡng, nếu không hiểu thì phải tìm hiểu thêm rồi mới dám đặt bút viết về nó. Viết như bạn, gì mà “thế giới 1984 ở nước Anh”..v..v..? Đây rõ ràng là đang nói đến xã hội ở Đông Âu lúc đó đang chìm đắm trong cái chủ nghĩa mà ai cũng biết là gì đó, Anh đâu mà Anh? Nội cái chi tiết đó thôi tôi có thể nói rằng bạn đọc nhưng chả hiểu gì về 1984 cả.

    Nếu bạn review về các sách ba xàm ba tú gì đó thì bạn viết sao thì viết nhưng đây là cuốn 1948 một cuốn sách có giá trị, ít nhất cũng phải cẩn trọng một chút. Cẩn trọng là tôn trọng độc giả. Xin góp ý thẳng thắng, mất lòng trước được lòng sau.

      • Chiễm Phong
      • April 11th, 2012

      Không Phận Một, chẳng hạn, hồi đó không tên là vậy: Nó được gọi là Anh quốc hay Britain, mặc dầu Luân Đôn, anh chắc chắn vậy, vẫn luôn luôn được kêu là Luân Đôn. Winston

      (trích chương 1 – 1984)

      Vâng, thế ra theo bạn vậy là nó không viết về nước Anh năm 1984. Thế chắc là nó viết về nước Anh và Luân Đôn năm 1948.

      Nói tóm lại là thế này, đây là bài cảm nhận của tôi, nếu bạn muốn nó phải khác đi thì xin lỗi, Reading Cafe hay hầu hết các website điểm sách khác luôn đón chào bài viết (nếu có) của bạn về 1984. Còn để thuyết phục tôi thay đổi bài viết cũng như quan điểm của mình, luận điểm của bạn quá kém.

      Tuy nhiên, xin ngừng bảo với tôi về việc phải thận trọng khi viết về 1984 vì nó là sách có giá trị, còn mấy cuốn khác thì sao cũng được (vì chúng không có giá trị?). Tôi tôn trọng 1984 nhưng cách nói năng đó của bạn thiếu sự tôn trọng đến nhiều cuốn sách khác mà tôi đã review ở đây đấy. Phát ngôn thận trọng hơn nhé bạn.

  2. Trước hết, đối với Phong và tôi đều hoan nghênh những comment góp ý thẳng thắn của mọi người, nhất là liên quan đến nội dung bài viết. Bạn không cần phải e ngại gì nếu muốn góp ý cả, miễn là đừng xúc phạm chúng tôi bằng những ngôn từ vô văn hóa. Tôi cũng không phiền muộn khi bạn nghi ngờ tôi có hiểu hay không, vì bản thân tôi biết rõ điều đó :D, nghi ngờ là chuyện của bạn, khi nào comment rõ ràng về tác phẩm, lúc đó lại khác.

    Tiếp theo, tôi không có ý cho bạn là khó tính về cách bạn nhìn nhận bài viết của Phong. Điều tôi thấy ở đây là bạn không hề đọc comment của Phong ở trên trước khi kết luận bạn ấy có hiểu về cuốn 1984 của G.Orwell hay không. Bạn cũng không đọc kỹ comment của tôi để biết rõ hơn tiêu chí viết điểm sách của chúng tôi ra sao.

    Bạn nói:“Cẩn trọng là tôn trọng độc giả.” nhưng độc giả có biết bao nhiêu người mà biết đâu mỗi người lại hiểu một ý, thậm chí chẳng hiểu thật sự cách Phong nhìn nhận tác phẩm trong điểm sách của bạn ấy thì chẳng lẽ Phong không được quyền viết điểm sách này? Có ai cấm bạn ấy không được viết điểm sách một cuốn mà bạn ấy tâm đắc không? Và chúng tôi đâu có giới hạn là phải viết điểm sách theo văn hóa phương Tây hay văn hóa phương Đông đâu? Vì thế, tôi tiếc là bạn đã quá nóng nảy và vội vã mỗi khi đưa ra lời comment trước khi bạn kịp hiểu chúng tôi muốn nói gì. Còn nữa, tôi cũng xin lỗi bạn là tôi thực tình không biết tác phẩm nào của G.Orwell mang tên 1948 cả.

    • Ném đá 1 phát
    • April 12th, 2012

    Theo mình biết thì 1984 chưa hề được xuất bản trước 75, chỉ có Animal farm được xuất bản năm 52.

      • Chiễm Phong
      • April 12th, 2012

      ‘x’ Mình vừa hỏi lại đại ca thì đúng là mình chưa chuẩn thật. Cảm ơn bạn đã chỉnh. :D

    • Vee
    • April 12th, 2012

    Trả lời bạn Chiemphong:

    Thật sự tôi cũng không muốn tranh cãi gì nữa nhưng giọng điệu của bạn ngày càng xấc xược và vô lý. Bạn đã hiểu sai 1984 rành rành ra đó rồi, còn cố cãi chầy cãi chối. Tôi không có ý định bắt bạn thay đổi bài review của bạn, dù sao thì đây là trang của bạn thì các bạn thích làm gì thì làm. Tôi chỉ nói là đứng trên lập trường của tôi, thì tôi sẽ làm tốt hơn thế này. Làm tốt hơn ở đây không có nghĩa là tôi giỏi hơn các bạn, nhưng tôi sẽ bỏ nhiều thời gian và công sức ra cho bài viết này hơn. Bởi vì như chính bạn Chiemphong nói, cuốn sách này rất hay, vậy tại sao không đầu tư cho nó nhiều hơn những cuốn khác?

    Đây tôi sẽ cho bạn Phong đoạn trích bằng tiếng Anh:

    “…this was London, chief city of Airstrip One, itself the third most populous of the provinces of Oceania.”

    London đang nói đến ở đây là thành phố thủ phủ của tỉnh Airstrip One, tỉnh đông thứ ba của đất nước Oceania. Airstrip One trước đó được gọi là England hoặc Britain như bạn nói.

    Cách đặt tên của tác giả là một cách tung hoả mù, cố tình làm cho người đọc phải suy nghĩ và dùng trí tưởng tượng. Những cái tên quen thuộc như London hay England xuất hiện trộn lẫn với những cái tên lạ như Airstrip One, Oceania, Eurasia trong tác phẩm chứng minh rằng chúng không thể được hiểu theo nghĩa đen London tức là London ở ngoài đời như bạn hiểu ở đây.

    Không ngờ, bạn Chiemphong lại thật thà như đếm vậy? Chẳng lẽ ông Orwell ổng ghi London thì tức là thật sự ổng đang nói về xã hội của London và Anh năm 1984?? Điều này chứng tỏ bạn chỉ đọc cho xong cuốn sách, không hề liên tưởng hoặc suy nghĩ gì cả.

    Những người hiểu về lịch sử, xã hội và chính trị của thế giới những năm trước và sau 1945, đều biết cái chế độ ngột ngạt mà Orwell đang miêu tả trong truyện là ở đâu và được gây ra bởi cái chủ nghĩa nào.

    Vừa thiếu hiểu biết, vừa ngoan cố như bạn, thì đó là cái dở của bạn chứ không phải của tôi. Cho dù bạn cứ cố tình cho bạn là đúng và dùng những chi tiết nhỏ nhặt để hạ uy thế của tôi, thì người hiểu biết người ta cũng biết là ai đúng ai sai trong cách hiểu về tác phẩm 1984. Trình độ như bạn, đọc mười lần nữa cũng không thể hiểu cho hết ẩn ý của Orwell.

      • Chiễm Phong
      • April 12th, 2012

      Đọc xong phản hồi mới nhất của bạn Vee, chỉ biết cười “hê” một cái xong mặt tôi nó như vầy nè: ‘___’

      Nói chung là tôi cảm thấy không còn gì để nói với bạn nữa, nhân tiện có dịp về nhà thì chụp hình cái cuốn 1984 của tôi lên đây. Có lẽ hình còn hơn vạn lời nói. Click vào nhìn để nhìn cho rõ nhé. ‘_’

      Lưu ý dòng “The famous novel of life in the furute

      Và đây là “future” nào, thì xin xem hình sau:

      Nhân đây cũng xin lỗi quý “độc giả” đang “hóng” thì lần trước do chỉ nhớ mang máng mà không có sách cạnh bên nên có sai thông tin bản sách gốc này một tẹo. Đây là bản 1984 do The New American Library, New York xuất bản, như trong hình trên thì đây là ấn bản thứ 23, in năm 1961. Vâng, “future” chí ít thì cũng là 1984 so với 1961 đấy ạ.

      Còn viết về “life in the future” mà không phải là “fantasy” thì tôi cũng không biết gọi là gì nên xin phép lùi bước, không dám tiếp chuyện bạn Vee nữa ạ.

        • Chiễm Phong
        • April 12th, 2012

        Ý quên, riêng có cái này bạn Vee nói:

        Không ngờ, bạn Chiemphong lại thật thà như đếm vậy? Chẳng lẽ ông Orwell ổng ghi London thì tức là thật sự ổng đang nói về xã hội của London và Anh năm 1984??

        Bạn hỏi thì tôi xin thưa, dĩ nhiên là tôi không có nghĩ như bạn hỏi rồi, vì bác Orwell có sống được đến năm 1984 đâu mà viết năm 1984 của bất-kì-cái-gì. Cho nên mới bảo “London năm 1984” trong sách là yếu tố “fantasy” – huyền ảo ạ. À, nhầm, bạn Vee không đồng ý cho rằng tác phẩm này có chất fantasy~~~ Thế thôi xin lui ạ.

  3. Xin lỗi các bạn vì tiếp tục đeo đuổi cuộc tranh cãi nhảm nhí này, nhưng với bạn Chiemphong đây có vẻ bạn ấy không thực sự muốn trao đổi mà chỉ chăm chăm vào hơn thua với người “lỡ dại” dám phê bình mình. Bởi vậy xin thông cảm tôi lần này.

    Xin nói lại cho rõ rằng tôi không có một chút hứng thú nào muốn biết cuốn sách bản gốc in bên Mỹ năm 19 hồi đó của bạn mặt mũi như thế nào. Ngoài ra tôi thấy chuyện bạn đưa những mối quen biết của gia đình bạn (mà không phải của bạn) vào để cho cái lý luận bạn thêm mạnh, mà thật ra không liên quan gì nhau cho lắm, là một việc làm rất trẻ con.

    Trở lại vụ 1984, làm ơn đọc lại post đầu tiên của tôi. Tôi chỉ nói đây không phải là một tác phẩm THUẦN TÚY fantasy, chứ đâu có hoàn toàn phủ nhận nó không phải là thể loại fantasy mà bạn đi chụp hình cuốn sách chứng minh này nọ làm chi cho mệt? Mà tôi thấy cách chứng minh đó thật nực cười. Nếu bạn muốn chứng minh cuốn sách này như thế này thế khác thì bạn phải đưa dẫn chứng từ trong nội dung cuốn sách đó. Chứ ai lại dựa vào một câu vô thưởng vô phạt trên bìa sách. (Câu này chưa chắc là của tác giả nhé)

    Theo bạn nói, chẳng lẽ cuốn sách ghi dòng chữ “life in the future” thì phải hiểu ngay rằng nó là thể loại fantasy tưởng tượng 100%? Ở đây bạn lại chứng tỏ sự thật thà như đếm của mình một lần nữa.

    Ý chính tôi muốn nói là ở câu sau của bạn đã viết trong bài review:

    “Tất cả chỉ bởi vì thế giới của năm 1984 đó ở nước Anh với một nền cai trị độc tài cực quyền đã tước đoạt quyền sống của con người…”

    Trong bài post tiếp theo bạn đã khẳng định lại là bạn vẫn tin chắc đây là nước Anh năm 1984.

    Ở đây tôi không bàn về năm 1984 hay năm nào. Tôi chỉ muốn nói rằng cái chế độ độc tài ngột ngạt hành xác con người ở trong truyện không phải là xã hội Anh như bạn nói, mà lấy cảm hứng thực tế từ chính chế độ Xô Viết ở Đông Âu lúc đó đang nhuộm đỏ chủ nghĩa CS.

    Nếu bạn đã google hay wiki ra chữ Orwellian thì bạn cũng nên đọc đến cuối bài wiki trong đó có đoạn liệt kê vô số những chi tiết trong truyện được lấy trực tiếp từ đời sống thực của chế độ XHCN Liên Xô những năm trước (hoặc có thể sau) Thế Chiến thứ 2.

    Có thể xem tại đây: http://en.wikipedia.org/wiki/Nineteen_Eighty-Four (phần Some Sources for Literary Motifs)

    Như tôi đã nói với bạn Vankey, bình luận về 1984 mà không nói ra chi tiết này thì quả lại đại thiếu sót. Mà không nói ra thì người khác có quyền nghi ngờ rằng bạn không biết. Nếu đã đọc một cuốn sách với đầy những ám chỉ chính trị và lịch sử, nhưng hoàn toàn bỏ qua những chi tiết này để cố ép cho nó thành một tác phẩm fantasy tưởng tượng thì rõ ràng là bạn chưa có cách hiểu đúng.

    Tuy nhiên, dù sao đây cũng là trang của bạn thì bạn muốn viết thế nào thì tùy bạn. Đối với bạn, cuốn sách này là fantasy cũng được, tôi hoàn toàn không có quyền gì hay cũng không có khả năng thay đổi ý kiến của bạn theo ý của tôi. Nhưng theo thiển ý của tôi, hiểu như vậy là chưa đủ.

      • Chiễm Phong
      • April 19th, 2012

      Người duy nhất dùng cụm từ “thuần túy fantasy” ở đây là bạn. Giờ bạn lại nói mọi lý luận của bạn là để đập lại cái cụm này. Thế khác gì tự mình vả vào mồm mình.

      Cái cụm bạn trích ra kia từ bài viết của tôi, tôi chẳng thấy có gì sai cả. Cuốn sách đó viết về London còn Orwell ám chỉ cái gì thì tất cả cũng chỉ là suy đoán, suy đoán mà thôi. Tôi không dám chắc về cái nào hết mà tôi cũng không muốn áp đặt cái nhìn phiến diện của mình lên người đọc nên tôi chỉ nêu ra nội dung văn bản của Orwell. Còn hàm ý đằng sau thì tùy người tùy cảnh mà suy ra. Bạn nói năng nó vô lý cũng vừa vừa phải phải thôi. Orwell viết rõ ràng trong văn bản 1984 rằng đây là London thì trước hết đây là London đã. Đến đọc hiểu nghĩa đen của văn bản bạn còn bắt bẻ thì tôi không rõ khả năng đọc hiểu của bạn đang ở trình độ nào.

      Bạn không muốn thay đổi bài viết của tôi, bạn không muốn thay đổi suy nghĩ của tôi, bạn không muốn tự viết để nêu lên quan điểm của mình (thay vì đi bới móc người khác), bạn mặc kệ blog sách của chúng tôi vì cho rằng đây là “nhà” của chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì thì làm, thế thì tôi chẳng hiểu bạn ở đây làm cái quái gì. Nhưng cũng như bạn nói rằng đây là “nhà” của chúng tôi, cho nên xin lỗi, thể theo ý bạn, nhà này có thể từ chối tiếp những phần tử cực đoan kiểu như bạn. Cho nên lần nữa là khi bạn đọc được phản hồi này của tôi, mọi phản hồi lằng nhằng vớ vẩn như ở trên của bạn đều đã, đang và sẽ bay vào thùng rác. Sự kiên nhẫn của tôi có giới hạn với những thành phần ngang như cua kiểu bạn, thế nhé.

    • nguyen huong
    • January 14th, 2013

    http://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/06/george-orwell-1984-ki-1.html
    mình tìm được bản dịch rất hay của tác giả Phạm Nguyên Trường bạn nào quan tâm có thể vào xem

      • Chiễm Phong
      • January 14th, 2013

      Phạm Nguyên Trường chính là Phạm Minh Ngọc trên talawas, nên bản dịch 1984 trên talawas của Phạm Minh Ngọc cũng chính là bản này nhé. :D Bản này đã được in ở Việt Nam bởi nhà xuất bản Giấy vụn.

        • nguyen huong
        • January 15th, 2013

        ừ mình cũng biết nhà xuất bản giấy vụn với chủ trương mở miêng rồi , mình cũng đọc tác phẩm trại xúc vật của nxb này . Nhưng ở Hà Nội các ấn phẩm này rất ít và khó tìm , nên mình đăng link để mọi người tiện theo dõi hơn ^_^

        • Chiễm Phong
        • January 15th, 2013

        Giấy vụn chỉ tặng chứ không bán sách nên khó tìm. Tại dịch giả để hai tên khác nhau nên mình bổ sung thông tin cho mọi người ấy mà. :D

    • kuro
    • March 1st, 2013

    Chiễm Phong :
    Giấy vụn chỉ tặng chứ không bán sách nên khó tìm. Tại dịch giả để hai tên khác nhau nên mình bổ sung thông tin cho mọi người ấy mà.
    :D

    Không biết làm sao để được tặng cuốn này nhỉ, em thích sách của Orwell lắm mới đọc được Trại súc vật

      • Chiễm Phong
      • March 1st, 2013

      Đọc thì dễ vì đều có bản online. Tặng thì… chắc nhờ quen biết.

Leave a comment