Đỏ – Nguyễn Dương Quỳnh

8382552817_085df6c788_b (1)

Tựa sách: Đỏ
Tác giả: Nguyễn Dương Quỳnh
NXB Lao động và Nhã Nam

~oOo~

Đỏ là tập truyện vừa xinh xắn đầu tay của một tác giả trẻ sinh năm 1990, theo lời giới thiệu ở bìa sách. Thật tình tôi chẳng ưa màu đỏ chút nào, nhưng cách thiết kế bìa cũng như cách minh họa của cuốn sách khiến tôi cảm thấy thú vị và tò mò trước khi quyết định đọc lướt để mua nó. Và lần này tôi tin là mình đã không chọn lầm, bởi vì Đỏ là một bức chân dung chân thực về cuộc sống và trăn trở riêng của thanh niên ngày nay.

“Giữa con người mà con người vẫn cô đơn”

Đọc xong cuốn sách, đây là câu khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất. Câu văn được trích ra từ câu chuyện thứ hai, Nước xốt cà chua, nhưng bản thân tôi cho rằng, nó đã khái quát tất cả tinh thần của cả tập truyện Đỏ. Câu chuyện thứ nhất trùng tên với cuốn sách, là sự đơn độc của một thanh niên xa xứ, sống giữa những người xa lạ, nói một thứ tiếng mà anh ta không hiểu, cũng không muốn hiểu. Thế nhưng, niềm khao khát nội tại của anh vẫn muốn hòa nhập với những người xung quanh, dù chỉ một chút. Anh ta rất mâu thuẫn, một nửa luôn luôn cư xử một cách xa lạ, khách sáo, nhưng nửa còn lại vẫn muốn quan tâm tới hàng xóm, bạn bè. Cả câu chuyện day dứt đến lạ lùng, mà nhân vật lúc nào cũng chơi vơi trong tình cảm, lúc nào cũng đi tìm một sự gắn kết. Một nỗi cô đơn hiển hiện nhưng lại vẫn có chỗ mơ hồ, thiếu dứt khoát khiến người ta cảm thấy buồn miên man.

Câu chuyện Nước xốt cà chua khiến tôi có cảm giác thích thú, một chút bất cần, tưng tửng, khá hài hước đối lập hẳn với ấn tượng ban đầu về truyện Đỏ, rồi dần đần tôi nhận ra, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến với những tình tiết khác khó lường hơn. Càng về cuối, truyện càng buồn. Có điều, cái buồn ở đây khiến người ta không chán ghét, không thấy tiêu cực chỉ vì đơn giản là nó rất thực. Ai chẳng luôn có những điều bí mật cho riêng mình, và người ta cứ mải miết đi tìm một người mà họ tin rằng đó chính là người có thể chia sẻ. Thế nhưng, kết quả của sự tìm kiếm và người gắn bó trong thực tế có khi không trùng khớp. Mọi sự diễn đạt đều trở nên thừa thãi và họ cảm thấy không cần thiết phải như vậy. Họ cô đơn đến cùng cực, mặc dù vẫn có biết bao người xung quanh.

Cả hai câu chuyện trong cuốn sách đều mang một sắc thái khá kỳ bí. Tác giả cũng không có ý định tiết lộ hết những gì người ta tò mò, mà chỉ dừng lại ở đó với hai kết thúc mở. Những câu chuyện kia có logic hay không logic, vẫn có thể tiếp tục diễn ra đâu đó trong tâm trí người đọc. Lối hành văn của Nguyễn Dương Quỳnh giản dị đầy chất tự sự nhưng ngắn gọn trong cái thô mà thật. Chẳng có một chút nào lãng mạn, cũng không có lấy những câu văn diễm lệ, tất cả là tâm sự của hai thanh niên trẻ tuổi, bề ngoài cao ngạo, có vẻ khác nhau nhưng thực chất để che giấu đi nội tâm yếu đuối, cô độc bên trong. Một sự nhiệt tình đang cồn cào, gào thét trong trái tim họ, nhưng bản thân họ không tiếp nhận cũng không có ý định dàn trải lòng mình với bất kỳ người nào hoặc có tìm ra thì người đó cũng không chấp nhận.

Cô đơn không hẳn vì không có ai bên cạnh, mà là ở giữa biển người, nhìn quanh chẳng thấy một ai có thể hiểu nổi lòng mình. Quá trình tìm kiếm có khi rất dài, có khi là sự tình cờ nhưng vẫn chưa kết thúc. Cả cuốn sách dừng lại ở nỗi buồn da diết, chân thật còn để ngỏ mà ai cũng có thể trải qua một lần trong cuộc đời.

Vankey

    • Hà Linh
    • February 21st, 2013

    Khi đọc truyện Đỏ, không hiểu sao em cứ luôn nghĩ nhân vât xưng tôi ở đây là một cô gái chứ không phải là chàng thanh niên.Tác giả quả thật viết rất khéo khi không hoàn toàn để lộ rõ giới tính của nhân vật.:) Dù bản thân em thích truyện Nước xốt cà chua hơn ở kết cấu nội dung và xây dựng hình tượng nhân vật, nhưng văn phong và nỗi buồn toát ra từ truyện Đỏ lại có sức ám ảnh hơn.
    Bài review thật súc tích, ngắn gọn và ý nghĩa, em rất là thích :D

      • Chiễm Phong
      • February 22nd, 2013

      :) Nguyễn Dương Quỳnh chính là thành viên ndqanh của Reading Cafe đấy. Bạn thích văn phong của bạn ấy thì có thể tìm đọc thêm về bạn ấy theo nick này nhé.

  1. September 27th, 2023

Leave a comment