Xứ cát – Frank Herbert

dune-cover

.

Tựa sách: Xứ cát – Dune

Tác giả: Frank Herbert

Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng

Nxb Hội Nhà Văn & Công ty Nhã Nam 2009

.

~oOo~

.

Tôi chưa bao giờ là người hâm mộ các tác phẩm thể loại khoa học viễn tưởng nhưng tiếng tăm của các siêu phẩm kiểu như Stars War hay Dune thì dĩ nhiên là từng nghe đến. Trong thời gian gần đây, tôi chọn đọc khá nhiều tiểu thuyết giải trí để thư giãn, Dune gần như là tác phẩm duy nhất khiến tôi có nhiều sự chiêm nghiệm hơn là giải trí mà tôi mong đợi.

Để khiến cho bài viết này ngắn gọn hơn, tốt nhất là chúng ta nên đi thẳng luôn vào phần thủ tục để có thể nhanh chóng bỏ qua nó. Trước hết, nhắc đến Xứ cát, chúng ta có thể kể đến một loạt lời khen ngợi, thậm chí là ca tụng, dành cho bản thân tiểu thuyết mở đầu này lẫn toàn bộ hệ thống các tác phẩm xoay quanh nó được gọi là Dune Saga gồm 11 cuốn được lần lượt xuất bản từ năm 1965 đến năm 2014. Tác phẩm của Frank Herbert được xem là kiệt tác lớn nhất của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, thường được xếp trên cả Stars War và chỉ có một cái tên có thể sánh ngang nó về độ sáng tạo kì vĩ, đó là Chúa tể những chiếc nhẫn của J. R. R. Tolkien. Thế nên nếu bạn yêu thích dòng văn chương giả tưởng (sci-fi), kì ảo (fantasy) thì tôi nghĩ chỉ cần bấy nhiêu lời dạo đầu cũng đủ để bạn có thể yên tâm tìm đọc Xứ cát rồi.

Xứ cát là dạng tiểu thuyết giải trí dành cho độc giả đại chúng song nếu độc giả hi vọng sẽ tìm thấy ở đây một tác phẩm dễ đọc kiểu thức ăn nhanh như một số đầu sách bán chạy phạm vi toàn cầu ngày nay (mà các tác phẩm của Dan Brown là một ví dụ điển hình) thì họ hoàn toàn sai lầm. Frank Herbert không chỉ dựng nên một không gian giả tưởng về mặt vật chất gồm các đặc tính sinh vật học, địa lý hành tinh mà hơn hết, ông còn tạo dựng một thế giới tinh thần đầy đặn với các nền văn hoá, phong tục, lịch sử, ngôn ngữ, hệ thống triết học. Nói tóm lại, sự sáng tạo dựa trên nền kiến thức uyên bác của ông đã kiến thành nên một vũ trụ giả tưởng vừa thống nhất vừa phức tạp, đáp ứng trọn vẹn yêu cầu khắt khe nhất của tiểu thuyết thể loại này. Đây cũng là một trong các lý do chính khiến Xứ cát được xếp ngang hàng với Chúa tể những chiếc nhẫn. Vì thế, cá nhân tôi cảm thấy, nếu muốn cho việc tiếp nhận tác phẩm này một cách dễ dàng hơn, độc giả có thể đọc các phần phụ lục ghi chú về thế giới giả tưởng ấy ở cuối sách trước khi đọc vào nội dung tác phẩm. Như thế độc giả sẽ được làm quen phần nào với hệ thống các khái niệm phức tạp, dù rằng việc tiếp nhận cả một thế giới mới trong thời gian ngắn thì khó mà nhập tâm ngay được. Dĩ nhiên những người thích phiêu lưu vẫn có thể tự tìm hiểu các khái niệm trên bằng việc đọc tác phẩm trực tiếp nhưng nên chuẩn bị tinh thần là giữa dòng chảy cuồn cuộn của chuỗi dài tình tiết văn chương, chúng ta sẽ phải xử lý một lượng rất lớn các thông tin khác về đa lĩnh vực.

Tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết, Xứ cát, bắt đầu với nhân vật Paul Atreides. Paul là con trai và là người thừa kế của Công tước Leto. Hành tinh Caladan đã là quê nhà của hàng chục thế hệ gia tộc Atreides nhưng giờ đây, hoàng đế điều gia đình Công tước đến tiếp quản Arrakis, một hành tinh có thể trạng sa mạc khắc nghiệt, nơi chứa đựng một lượng hương dược (melange) khổng lồ vốn là thứ mà toàn đế quốc xem là quý giá nhất, đắt đỏ nhất. Lệnh bà Jessica, mẹ của Paul, là người tình của Công tước và xuất thân từ Trường Đào tạo Bene Gesserit. Bene Gesserit huấn luyện ra những phụ nữ siêu phàm và tất cả đều hướng đến một mục tiêu tối thượng là lai tạo giống nòi theo cách phù hợp để cuối cùng sinh ra được người ưu việt nhất, một Kwisatz Haderach. Jessica tin rằng con trai bà chính là vị Kwisatz Haderach đó. Song tại Arrakis, nhà Atreides phải đối mặt với các âm mưu chính trị và kinh tế tinh vi có sự tham gia của nhiều thế lực như gia tộc Harkonnen, Hiệp hội vận chuyển liên hành tinh, người bản xứ Fremen và cả chính hoàng tộc. Sau thất bại đẫm máu của gia tộc và cái chết đã được báo trước của cha, Paul Atreides trở thành người dẫn dắt mới không chỉ cho nhà Atreides mà cho toàn hành tinh Arrakis. Trong những lời tiên tri xa xưa được ngụy tạo bởi Bene Gesserit, Paul Atreides chính là Muad’Dib, là Lisan Al-Gaib – nhà tiên tri, vị thánh sẽ dẫn dân tộc Fremen bước vào cuộc thánh chiến chinh phục toàn đế quốc.

Vì các hạn chế về việc giới thiệu các khái niệm do Frank Herbert tạo ra trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi không thể và cũng không có ý định kể ra đây trọn vẹn cốt truyện của Xứ cát. Trên đây chỉ là những gì sơ lược nhất. Thêm vào đó,  Xứ cát trở thành tác phẩm kinh điển không phải chỉ vì cốt truyện nhiều lớp lang mà vì những thông điệp ẩn tàng bên trong câu chữ, đòi hỏi những sự suy tư nghiêm túc nhất về nhân sinh quan giữa người với người.

“Khi huấn luyện con thì mẹ có biết mẹ đang làm gì không?”, cậu hỏi.

Không còn chút trẻ con nào trong giọng thằng bé, nàng nghĩ. Nàng nói: “Mẹ hy vọng điều mà bất cứ người mẹ nào cũng hy vọng – rằng con sẽ trở thành… người ưu tú, thật khác biệt.”

“Khác biệt?”

Nàng nghe thấy sự cay đắng trong giọng con, liền nói: “Paul, mẹ…”

“Mẹ không muốn một đứa con trai!” cậu nói. “Mẹ muốn một Kwisatz Haderach! Mẹ muốn một Bene Gesserit nam!”

 

Và trích dẫn tưởng như xa lạ đầy chất khoa học giả tưởng trên đây hoá ra lại gần gũi với nhiều bậc phụ huynh, nhiều gia đình và nhiều đứa trẻ đến thế.

Do một vài lý do cá nhân, tôi có sự tiếp xúc nhất định với văn hoá Ả rập. Chính nhờ vậy, khi đọc Xứ cát tôi đã nhận ra khá nhiều thứ liên hệ mà Frank Herbert dựa vào để sáng tạo nên thế giới giả tưởng của ông. Trong bối cảnh Hồi giáo đang trở thành tâm điểm của thế giới ngày nay, có lẽ những vấn đề triết học được Xứ cát đề cập đến một lần nữa lại trở nên mới mẻ và cực kì đáng suy ngẫm. Một vị thánh đã được tạo ra như thế nào? Đã bị biến đổi ra sao? Vì đâu con người cần và sẵn lòng hiến mình cho thánh chiến? Làm cách nào để hiểu cho hành động sát hại kẻ ngoại đạo rồi giết cả chính mình trong làn sóng tử vì đạo? Thật choáng ngợp khi Frank Herbert có thể đi đến nhiều vấn đề như vậy và hơn cả thế với các góc nhìn đa chiều đầy tính nhân bản trong một tác phẩm khoa học giả tưởng. Việc nhận thấy sự kết hợp duyên dáng, tinh tế giữa văn chương giải trí và triết học chiêm nghiệm sâu sắc trong Xứ cát là một trải nghiệm độc đáo trong vốn đọc của cá nhân tôi. Thế nhưng sự kết hợp này, từ một góc độ nào đó, tôi cảm thấy cần phải nhắc lại rằng nó chính là nguyên do khiến cho Xứ cát trở thành một tác phẩm giải trí không hề dễ tiếp nhận.

Xứ cát của Frank Herbert đối với tôi là dạng tiểu thuyết tràn ngập dữ kiện và vô cùng khó để có thể hiểu toàn bộ tác phẩm ngay trong lần đọc đầu tiên. Ở mỗi nơi trong cuốn sách dày cộp này, Frank Herbert rải ra một ít dữ kiện và điều phức tạp là chúng chồng chéo lên nhau về cả không gian lẫn thời gian. Sự tuyến tính trong mạch trần thuật chỉ là lớp vỏ ngoài câu chữ. Vì thế người đọc phải có sự kiên nhẫn để đi đến cùng trang sách rồi khi đã gấp sách lại sẽ cần hệ thống toàn bộ các dữ kiện theo một trật tự nhất định, như vậy mới có thể phần nào thấu tỏ câu chuyện. Nói nôm na, điều này rất giống khi chơi xếp hình, cần đổ hết mảnh ra quan sát cẩn thận trước khi có thể xếp chúng lại cho ra hình thù rõ ràng. Do đó, có lẽ nên gọi Xứ cát là một dạng trò chơi trí tuệ nơi người đọc thực sự phải động não để thưởng thức niềm vui trong chính quá trình tư duy ấy thay vì lười nhác nhận những gì tác giả hiền lành trực tiếp bày ra lồ lộ trên giấy. Vậy nên, nếu là một độc giả thích những thách thức thông minh, chắc hẳn bạn sẽ có thời gian thú vị khi thưởng thức kiệt tác này của Frank Herbert.

Tôi sẽ kết thúc bài viết này bằng một ghi chú nhỏ. Bài viết ngắn giới thiệu về Xứ cát trên webiste của công ty Nhã Nam khá tồi. Tôi có cảm giác rằng người viết bài ấy chưa hề đọc tác phẩm này, hoặc chỉ mới đọc vài chương đầu tiên cùng một số bài giới thiệu đã có, mặc dù đã cố gắng liệt kê ra nhiều chi tiết, tên gọi riêng trong tác phẩm. Tất cả các mảnh dữ kiện đều có vẻ đúng nhưng cách ghép chúng lại không chính xác đã dẫn đến những ấn tượng sai lầm về bản thân tác phẩm. Ví dụ như bất kì ai đã đọc Xứ cát có lẽ đều hiểu rằng cách gọi các Bene Gesserit là “nữ phù thủy” gần như là một cách gọi miệt thị dành cho một Bene Gesserit. Trừ phi người viết bài giới thiệu của Nhã Nam cũng có sự miệt thị như vậy đối với các Bene Gesserit (bao gồm cả nữ nhân vật chính, Lệnh bà Jessica), không thì không nên viết cụm từ này ra. Quan trọng hơn, trong suốt tác phẩm, một trong những vấn đề khơi mở nhiều suy ngẫm nhất là sự tự nghiệm của Paul Atreides về tương lai mà anh đã nhìn thấy nhờ khả năng tiên tri. Paul Atreides hoàn toàn ý thức được vai trò của mình trong dòng chảy lịch sử từ quá khứ, qua hiện tại rồi đến tương lai ấy. Trong khi đó bài viết lại viết rằng: “Paul đơn độc dấn thân vào một cuộc phiêu lưu sinh tử, không hề biết rằng mỗi hành động của mình sẽ góp phần quyết định vận mệnh của cả thiên hà.“, viết như vậy, tức là gây ra sai sót nghiêm trọng về việc đọc hiểu tác phẩm. Tôi thông cảm cho việc Xứ Cát vừa dày vừa khó đọc, thậm chí khó hiểu, mọi người thì ai cũng bận rộn nhưng có lẽ lần sau Nhã Nam nên cẩn trọng hơn trong bài giới thiệu của mình dù chỉ là một bài viết cực ngắn.

Chiễm Phong

  1. Cảm ơn review của chị. Đúng là cuốn này đọc rất sướng. Hehe.

      • Chiễm Phong
      • February 18th, 2016

      Hôm nay mới thấy comt. Chị cũng thích lúc đọc cuốn này cực ấy. ^_^

  2. Cảm ơn bạn. Review rất tâm huyết !!!

  1. April 27th, 2020
    Trackback from : [Review] Dune – Cindy

Leave a comment