Một Ví Dụ Xoàng – Nguyễn Bình Phương

Tên sách: Một Ví Dụ Xoàng

Tác giả: Nguyễn Bình Phương 

NXB Hội Nhà Văn & Tao Đào 

~ oOo ~

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung cuốn sách 

Có thể tóm tắt nội dung Một Ví Dụ Xoàng một cách ngắn gọn như thế này: một anh nhà văn gặp gỡ nhiều người để tìm tư liệu viết sách. Cuốn sách đó liên quan đến án tử hình của tiến sĩ Sang. Và anh nhà văn giấu tên này chính là đứa con lớn của ông tiến sĩ. 

Một Ví Dụ Xoàng cuốn hút mình ngay từ những dòng đầu tiên. Nguyễn Bình Phương có cách vào đề gây tò mò, giọng văn huỵch toẹt và tung ra những sự kiện gây bật ngửa. Mình còn chưa kịp ghi nhớ ông này là ai, bà kia là ai, chuyện gì đang xảy ra thì đã lại có những nhân vật khác xuất hiện và những bí mật đen tối bị lật tung lên. Tác giả thay đổi điểm nhìn liên tục, từ người này sang người kia. Với sự dồn dập như vậy, thật khó để bỏ cuốn sách xuống để đi làm việc khác. 

Nghe có vẻ đây là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn và đầy tiềm năng nhỉ? Nhưng sự thật là càng về cuối truyện, mình càng thấy Một Ví Dụ Xoàng không còn gây kích thích nữa. Hơn một tuần sau khi đọc truyện, mình không còn ấn tượng gì nhiều, nhưng cũng không muốn nói là cuốn này không hay. Có lẽ mình sẽ chọn một thời điểm nào đó để đọc lại truyện. Còn bài viết này, mình sẽ ghi lại những suy nghĩ của lần đọc đầu tiên để có cái so sánh với lần đọc sau. 

Một Ví Dụ Xoàng có nhiều nhân vật, nhất là phần hai. Một số nhân vật trong đó có mối quan hệ dây mơ rễ má và nhập nhằng, không chính đáng. Nó tạo ra cái vòng tròn luẩn quẩn mà cái ác và tội lỗi là tâm của cái vòng tròn đó. Thú thật đây là điểm mà mình không thích lắm vì cảm giác nhồi nhét. 

Về vụ án của tiến sĩ Sang, có thể lấy câu của ông chánh án ở cuối truyện để tổng kết: “Mà này, cái vụ của cậu tiến sĩ ấy mà, xét cho cùng, cũng nhí nhố cả thôi. Nếu mỗi người là một ví dụ, thì cậu ấy nó là cái ví dụ xoàng, hết sức xoàng. Thế nhé”. Câu nhận định này có thể sẽ khiến nhiều độc giả cảm thấy kết thúc hụt hẫng, tưởng lần ra được một sự thật nào đó ghê gớm gây sốc, cuối cùng cũng chỉ là một câu kết coi mạng người như cỏ rác.

Cá nhân mình thì không hụt hẫng. Câu nhận định của ông chánh án cũng chỉ là một cách nói “sống chết có số”. Tiến sĩ Sang – nghe thì rất oách nhưng lần theo cuộc đời của anh ta thì thấy chẳng oách tẹo nào. Anh ta vốn dĩ không rõ gốc gác, mồ côi cha mẹ, không người thân thích, sống cầu bơ cầu bất, di du học về thì không hòa hợp với đồng nghiệp, làm việc không được trọng dụng. Đen nhất là gặp phải cái họa giết người, mà rõ ràng là chỉ vung tay bắn thôi nhưng không ngờ bắn trúng người ta. Từ đầu đến cuối, cuộc đời của tiến sĩ Sang đã định sẵn là khổ, là vất vả, là yểu mệnh.

Đặt cuộc đời của tiến sĩ Sang bên canh ông Chính sẽ càng thấy “cái số” này rõ ràng hơn. Ông Chính xuất phát điểm là một kiểm lâm, chẳng du học du hành gì mà vẫn làm phó chủ tịch thành phố, sống một đời phủ phê quyền lực, thao túng người khác. Quan trọng hơn cả, ông Chính cố ý giết người nhưng số lão ta chưa thể chết được nên vẫn cứ sống sờ sờ ra đấy, rồi lại làm khổ biết bao người khác. Đúng là tréo ngoe nhỉ.

Sống chết có số, còn nhân quả hay báo ứng thì đúng là một câu chuyện khó nói. Bởi lẽ như mình đã viết ở trên, các mối quan hệ trong này là một vòng tròn luẩn quẩn xoay quanh cái ác, cái xấu. Ví dụ như ông Chính. Ông ta phải chịu cảnh nhà tan cửa nát, nhưng ai dám bảo những người dính líu đến ông ta sẽ bước sang trang mới? Rốt cuộc vẫn là cùng nhau kéo xuống bùn lầy mà thôi. Vậy mới thấy tiến sĩ Sang chẳng phải là “ví dụ xoàng” duy nhất, “mạng người cỏ rác” duy nhất. Tất cả những người vẫn buộc phải bấu víu cái vòng tròn kia để tồn tại mới thật sự là những “cỏ rác” song chả có ai quan tâm. Đúng là xoàng hơn cả xoàng. 

Tổng kết lại, Một Ví Dụ Xoàng là một cuốn tiểu thuyết ổn. Nội dung và cách kể chuyện không có gì mới lạ gây trầm trồ. Mình khá thích một số tình tiết trong cuốn này (mà không muốn spoil tiếp nên sẽ không liệt kê), cũng thích cách Nguyễn Bình Phương viết thoại nữa.

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment