Ông già và biển cả – Enest Hemingway

411pakPjvdL._SY344_BO1,204,203,200_

Tên tác phẩm: Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea)

Tác giả: Enest Hemingway

Biên dịch: Lê Huy Bắc và các cộng sự

Năm phát hành: 1999

Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông – Tây

~oOo~

Thật ra, tôi đã từng bỏ cuộc khi đọc cuốn sách lần đầu tiên lúc chưa tròn mười lăm tuổi.

Ấn tượng về Ông già và biển cả của lần đọc đầu tiên ấy sâu đậm đến mức nhiều lần tôi dọn sách mang ra định đọc và rồi lại cất đi vì ngại với câu chuyện tưởng chừng ngắn mà dài lê thê trong sách kia. Sau hơn mười lăm năm, khi tất cả mọi thứ trong cuộc sống của tôi xáo trộn và cần phải thiết lập lại từ đầu nhiều thứ kể cả chỗ ở, tôi mới có duyên với sách, một bản tiếng Việt có màu sắc bìa tương đối nhã nhặn và có thêm bình giảng cuối sách cho kẻ chưa hiểu như tôi-năm-mười-lăm-tuổi khi đó.

Để đọc được Ông già và biển cả, người đọc cần có một sự kiên nhẫn nhất định. Đây không phải là một cuốn truyện dày cộp trên năm trăm trang với nhiều diễn biến giật gân, phiêu lưu cuốn hút hào nhoáng như sách của Dan Brown. Cảm giác đọc lại trang đầu tiên khi đã hiểu biết hơn về cuộc sống khiến cho tôi trân trọng và muốn tiếp tục đọc cho đến hết mỗi tối. Sự kiên nhẫn để đọc theo diễn biến, tò mò xem trang cuối sách để biết kết thúc thế nào đối với Ông già và biển cả giống hệt như tôi đã trải qua với Gối đầu lên cỏ của Natsume Soseki. Sẽ rất chán, sẽ lại bỏ cuộc nếu đọc nhảy cóc khi chỉ cần biết đời nhân vật ra sao.

Câu chuyện không hấp dẫn ở vẻ bề ngoài, nó chỉ đơn thuần kể về một ông già đánh cá bình thường người Cuba, tại một làng chài gần thủ đô Havana, cứ từ bắt đầu thế nào thì kết thúc cũng gần như thế. Nhân vật cũng chẳng có gì đặc biệt: ông già Santiago, cậu bé Manolin, một vài người dân làng chài, cá kiếm và cá mập. Thế mà, tôi đã thực sự bị cuốn hút vào thế giới của người dân đánh cá do Enest Hemingway tạo nên khi đọc chậm rãi, nghiền ngẫm và kiên nhẫn. Ông đã tạo nên một thế giới nội tâm nhân vật cực kỳ phong phú khi khắc họa ông già Santiago này. Điều khiến câu chuyện càng ngày càng gần gũi là Santiago có thói quen độc thoại trước biển cả như tâm sự với người bạn đường, đồng thời cũng được lồng ghép các suy nghĩ trước và sau mỗi câu nói. Tôi gần như không để ý đâu là chỗ lão nghĩ, đâu là chỗ lão nói nữa. Ý nghĩ, lời nói và sự quan sát của nhân vật trước từng sự kiện xảy ra trên biển khơi khiến mạch truyện khó có thể có chỗ dừng được.

Nhân vật chính của câu chuyện là ông lão Santiago già nua, khắc khổ, thiếu đi vận may, người bạn đường của lão bị buộc phải rời xa lão trước chuyến ra khơi sau tám mươi tư ngày lão thất bại. Tất cả những miêu tả giản dị đó đã khắc họa một phần nào hình ảnh người dân chài ở tuổi xế chiều. Sự kiện đầu tiên trong truyện là vận rủi của lão chài hiền hòa. Không ai tin nổi lão sẽ câu được một con cá kiếm lớn từ những dụng cụ thô sơ đến thế, với sức khỏe yếu dần đi như thế. Lão yêu biển, yêu những gì thuộc về biển, thậm chí yêu cả con cá kiếm lão câu được, một con cá kiếm rất quân tử và hào hoa. Lão nghĩ:”Tao chưa bao giờ thấy bất kỳ ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ“. Dù đây là vận may của ông nhưng khi buộc phải giết chết con cá kiếm, ông lão cũng rất đau khổ. Santiago vừa có kinh nghiệm đi biển, vừa hiểu biết nhiều điều nhưng không phải là một tay đánh cá gian hùng. Ông chất phác và có điều gì đó rất giống với trẻ thơ qua giấc mơ về những con sư tử, qua cách nói với biển cả, qua cách cư xử với con cá kiếm nhưng lại rất giống một vị anh hùng khi chiến đấu với cá mập. Nếu cá kiếm rất quân tử thì cá mập chẳng khác gì lũ kẻ cướp. Chúng ăn hết toàn bộ con cá kiếm ông lão câu được chỉ chừa lại bộ xương:”Đớp đi lũ galanos kia. Và hãy tưởng tượng rằng bọn mày đã giết chết một con người“.Vậy là ông lão lại gặp rủi. Sự trở về của ông khiến người đọc không còn rõ ranh giới đâu là may, đâu là rủi trong cuộc đời của ông nữa. Rõ ràng số phận đã sắp đặt như vậy dù ông đã cố gắng biết bao nhiêu.

Điều tôi đồng cảm với Santiago trong truyện là nỗi cô đơn trước khó khăn của cuộc đời. Ông không có người thân nào cả dù nhiều người trong làng chài quý mến ông, ái ngại cho tuổi già và vận rủi của ông, chú bé Manolin thương ông. Santiago đơn giản là bình thản chấp nhận sự thật, không suy nghĩ quá lạc quan cũng không để bi quan dìm chết mình tại biển cả. Ông ý thức rõ ràng mình sống phụ thuộc biển và sau chuyến ra khơi đầy gian nan đó vẫn thấy muốn gần con người. Mỗi chuyến ra khơi là một lần ông lão sống thật với chính mình, tâm sự với thiên nhiên và rồi sau đó cũng trở về với cộng đồng mà ông gắn bó. Cho dù cuối truyện, hình ảnh xương sống của con cá kiếm và sự thiếu hiểu biết của du khách đối với bộ xương ấy là một điều rất cay đắng cho kết quả chuyến đi của lão Santiago, tôi vẫn thấy cách miêu tả đầy nhân văn và trìu mến của Hemingway dành cho nhân vật của mình. Santiago có giấc mơ trẻ thơ khi mơ về lũ sư tử và Manolin dường như là thế hệ tiếp nối của ông.

Để nói về cuốn sách này, e rằng khó thể gói gọn trong một bài viết. Bản thân tôi chỉ đơn thuần là chia sẻ những suy nghĩ tức thời sau khi đọc xong câu chuyện, mà một cách bất ngờ trở nên yêu mến nó, thậm chí có cảm giác như tìm lại được một người bạn xa mình lâu năm. Cho dù không thể nào viết ra hết được những gì (tôi cho là) Hemingway muốn bạn đọc của mình cùng hiểu với ông qua tác phẩm nhưng có lẽ Ông già và biến cả là một trong những  bước ngoặt của bản thân tôi trong quá trình đọc và cảm thụ văn học, nhất là khi gặp gian nan trong cuộc sống thực này.

Vankey

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment